Giữ lửa cho nghệ thuật Chèo truyền thống của dân tộc

Giữ lửa cho nghệ thuật Chèo truyền thống của dân tộc

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 12-28/10 tại Hà Nam. 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương (chủ yếu các đơn vị tập trung ở khu vực phía Bắc do đặc trưng của loại hình nghệ thuật này) sẽ mang tới công chúng 27 vở diễn đặc sắc nhất. Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Liên hoan cũng là một cách để “giữ lửa” những tinh túy văn hóa phi vật thể. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa đó tới thế hệ kế cận.

Cơ hội đắm mình trong nghệ thuật chèo đặc sắc

Cho đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Liên hoan đã được tỉnh Hà Nam hoàn tất. Diễn ra trong 16 ngày tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam (thành phố Phủ Lý), Liên hoan sẽ là khoảng thời gian mà công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật này được đắm mình trong không khí của nghệ thuật chèo chuyên nghiệp với các vở diễn đặc sắc.

Giữ lửa cho nghệ thuật Chèo truyền thống của dân tộc ảnh 1Tiết mục trích đoạn "Thị Mầu lên chùa" (trong vở chèo cổ Quan âm thị kính) của diễn viên Thế Quỳnh, Hồng Nga đến từ đoàn Thanh Liêm. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Với tiêu chí không hạn chế đề tài, Liên hoan đã tạo sự đa dạng cho các vở diễn tham dự. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII của Đảng về "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế"; thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Trong 27 vở diễn tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 có gần 40% các vở diễn có đề tài có tính tiết chế tinh thần mới và 60% giữ vững giá trị nghệ thuật chèo truyền thống. Nhiều vở diễn đề cập đến nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc. Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng: Đề tài về chèo luôn luôn khai thác những giá trị truyền thống của dân tộc thông qua đó để nâng cao tinh thần nhân văn sâu sắc cũng như tính giáo dục trong đời sống tư tưởng con người Việt Nam.

Đến với Liên hoan lần này, Nhà hát Chèo Hải Dương mang đến 2 vở diễn, trong đó có vở "Thần tướng Yết Kiêu" của tác giả Trần Phương Hạnh, đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú, Tiến sĩ Lê Tuấn Cường. Được dàn dựng từ năm 2021, vở diễn ca ngợi tài năng, lòng dũng cảm, sự trung thành của danh tướng Yết Kiêu - một vị tướng tài đã có công giúp quân dân nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ XIII. Vở diễn khắc họa hình ảnh người dân chân chất, mộc mạc, dám hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Vở diễn tái hiện cuộc thủy chiến của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng vào năm 1288.

Nhà hát Chèo Thái Bình mang tới hai vở diễn là “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm” và “Thiên duyên huyền tích”. Đáng chú ý là vở “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm”, kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện, chuyển thể của tác giả Lê Thế Song do Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng làm đạo diễn. Vở diễn được dàn dựng dựa trên tư liệu lịch sử có thật về nhân vật lịch sử Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929), người con ưu tú của quê hương xã Văn Cẩm huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là người có tư chất đặc biệt thông minh với tài sáng tác thơ phú, làm câu đối ứng khẩu, chẩn bệnh cứu người và cũng là người đóng góp to lớn trong phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Diễn viên trẻ tài năng Trọng Khởi của Nhà hát Chèo Thái Bình được tin tưởng giao nhiệm vụ vào vai chính Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm. Anh đã khẳng định được bản lĩnh với diễn xuất chắc chắn. Đây là lần đầu tiên nam diễn viên này đảm nhận một vai khó, giàu màu sắc, đa tính cách như nhân vật Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm. Đặc biệt, để vào vai này, anh đã phải tập luyện nhằm giảm 6kg cho phù hợp với ngoại hình nhân vật. Điều đáng mừng là vở diễn nhận được nhận được đánh giá cao từ nhiều bạn nghề cũng như sự hưởng ứng của người dân địa phương.

Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan - “nữ tướng” của Nhà hát Chèo Việt Nam tự tay dàn dựng vở “Hồng Hà nữ sĩ”, kịch bản của tác giả Trần Đình Ngôn (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, cây đại thụ của làng Chèo). Đây là tác phẩm nói về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với những áng thơ bất hủ. Nhân vật không có nhiều biến cố nhưng ê kíp thực hiện đã khai thác chất trữ tình, chất văn chương để cho ra mắt một hình mẫu phụ nữ lý tưởng, tỏa sáng nét đẹp từ những ứng xử nhân văn, đầy tình người thông qua làn điệu chèo cổ mượt mà, trữ tình, sâu lắng cùng những mảng miếng hài đan cài khéo léo…

Cũng về đề tài lịch sử, “Những vì sao không tắt” được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam xây dựng trên một câu chuyện lịch sử có thật về cuộc sống, chiến đấu của các nữ dân quân Lam Hạ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra vào đầu tháng 10/1966. Huyền thoại 10 nữ dân quân Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) đã anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo trong trận chiến ác liệt năm xưa, đến hôm nay họ vẫn trong tâm trí người dân Lam Hạ và được tưởng nhớ như “Những vì sao không tắt”.

Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam làm đạo diễn và cũng đưa vào vở diễn một số làn điệu dân ca Hà Nam đan xen. Bà cho rằng, Hà Nam là vùng đất của những làn điệu dân ca, đồng thời cũng là một trong những cái nôi của chèo. Do đó việc sử dụng các làn điệu dân ca Hà Nam trong “Những vì sao không tắt” là điều vô cùng hay, nên khai thác và cần phải khai thác.

“Giữ lửa” và truyền cảm hứng

Chèo là một loại hình sân khấu độc đáo, có sự kết hợp giữa hát, múa, nhạc, kịch - một di sản văn hóa nghệ thuật đáng quý của cha ông ta để lại. Cái nôi hình thành nên loại hình này là đồng bằng sông Hồng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chèo đã trở thành môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngày 20/10/2021, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận nghệ thuật Chèo là di sản văn hóa thế giới.

Tuy vậy, Chèo cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí ngập tràn trên internet, trên sóng truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Chèo nói riêng bị lấn át, có nguy cơ mai một nếu không có định hướng phát triển phù hợp. Để Chèo đến gần hơn với công chúng, được khán thính giả yêu thích, việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo là cả một vấn đề nan giải. Với những cố gắng, nỗ lực, làng Chèo Việt Nam mong muốn và hy vọng sẽ làm cho công chúng ngày càng biết đến và yêu Chèo nhiều hơn.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly khẳng định: Cục luôn quan tâm đến giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Cụ thể, tại Liên hoan năm nay, Ban Tổ chức luôn mong muốn khán giả đến xem đông nhất có thể để nghệ thuật Chèo “được tràn vào nhân dân” những giá trị cốt lõi. Trong thời đại 4.0, các loại hình giải trí thời thượng lấn át, thì việc tổ chức Liên hoan là một cách để “giữ lửa” những tinh túy văn hóa phi vật thể. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa đó tới thế hệ kế cận. Các hình thái nghệ thuật khi phát triển đến một mức nào đó vẫn phải quay lại truyền thống để tìm kiếm chất liệu và cảm hứng sáng tạo mới. Và truyền thống chính là cốt lõi, nền tảng cho sự phát triển đương đại. Chúng ta không thể phát triển mà không có gốc.

Việc tổ chức Liên hoan lần này cũng là một cách thu hút khán giả đến gần hơn với nghệ thuật Chèo. Bà Trần Ly Ly nhấn mạnh rằng, mặc dù nghệ thuật Chèo truyền thống đang gặp vô vàn những khó khăn nhưng sự hiện diện của hàng ngàn nghệ sỹ tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc đã cho thấy lực lực lượng sáng tạo đã và đang cùng nhau vượt khó khăn để đến với hội diễn. Liên hoan hội tụ đầy đủ các đại diện nổi tiếng tham gia vì vậy đây cũng là một cuộc biểu dương lực lượng của Chèo…

Giữ lửa cho nghệ thuật Chèo truyền thống của dân tộc ảnh 2Vở chèo “Những vì sao không tắt” của tác giả Lê Chí Trung – Tạ Minh Tuấn, đạo diễn NSND Trịnh Thúy Mùi, dự thi trong Liên hoan Chèo toàn quốc – 2022 tại Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Bên cạnh đó, để tạo điểm nhấn cũng như thu hút khán giả đến với sân khấu Chèo, Cục nghệ thuật biểu diễn đã thực hiện ý tưởng thiết kế bộ nhận diện của Liên hoan lần này. Đây là một thiết kế vừa truyền thống nhưng lại vừa có sức thuyết phục với sự phát triển của xã hội mới. Hình ảnh chủ đạo là chiếc quạt - biểu tượng của giá trị truyền thống và cũng là sự tập trung, đoàn kết để đưa giá trị truyền thống ngày càng đi lên. Cùng với đó là hình ảnh dòng sông cũng chính là dải lụa trong Chèo, thể hiện một dòng sông thời gian chảy từ quá khứ đến hiện tại và tương lai không bị đứt gãy. Ba màu chủ đạo là nâu, đỏ, vàng chính là biểu tượng cho vùng châu thổ Bắc Bộ - cái nôi sản sinh ra nghệ thuật Chèo truyền thống. Qua đó có thể thấy một tinh thần rất hiện đại nhưng lại thể hiện được yêu tố truyền thống cốt lõi của Chèo. Liên hoan lần này có sự xuất hiện của rất nhiều gương mặt trẻ dưới 35 tuổi, được coi là thế hệ “tre già măng mọc” đan xen kết nối giữa các thế hệ, tín hiệu tốt cho nghệ thuật Chèo truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam Ngô Thanh Tuân cho biết, trong Liên hoan này này, Sở đã khuyến khích các đơn vị trên địa bàn tỉnh tạo điều, kiện cử cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân đến xem và cổ vũ. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và bồi dưỡng lòng yêu mến nghệ thuật Chèo, đặc biệt với thế hệ trẻ. Sẽ có một lượng lớn khán giả là giáo viên, học sinh (từ 300 - 600 người/suất diễn) sẽ đến thưởng thức Chèo như một hoạt động ngoại khóa...

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm