Chư tăng và đồng bào Khmer thực hiện các nghi thức đón năm mới trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại chùa Candaransi (Chan-ta-răng-sây), Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh trong. Ảnh: TTXVN |
Ngày đầu tiên của Tết, bà con Khmer làm cơm cúng tại gia đình và lên chùa làm lễ đón Chư Thiên. Mọi người cùng nhau cầu nguyện, mong muốn những điều tốt lành. Buổi tối ngày đầu tiên cũng thời điểm là bắt đầu cho các chương trình vui chơi, múa hát. Ngày thứ 2 là lễ dâng hoa, dâng cơm, bánh trái tại chùa, trong đó có nghi thức đắp núi cát cầu may mắn, cầu phúc, cầu duyên. Ngày cuối cùng là một ngày rất trọng đại đối với người Khmer, bởi đó là ngày lễ cầu siêu, tắm phật tại Chùa và tắm Phật tại nhà, mang ý nghĩa gột rửa những muộn phiền, đón những điều mới mẻ, an vui.
Cũng giống như phong tục của người Kinh, người Hoa, ngày Tết cũng là thời gian những người con Khmer từ nơi học tập, làm việc trở về với gia đình, với quê hương, để mỗi gia đình xum họp, đầm ấm đón mừng năm mới bên nhau, để cùng nhau thăm họ hàng, gia tộc, cùng nhau đi chùa lễ Phật… Ngày nay, không phải tất cả những người Khmer đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có điều kiện trở về quê hương bản quán và họ lựa chọn việc đón Tết Chôl Chnăm Thmây ngay tại thành phố với tất cả những nghi lễ truyền thống như một điều tất yếu trong sự hòa nhập, thích ứng với cuộc sống hiện đại nơi đô thị.
Ông Lâm Ngọc Thành, người đã có nhiều năm làm công quả tại chùa Potivong chia sẻ: Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mang đậm nét đặc trưng nhất của văn hóa truyền thống của người Khmer. Trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, người Khmer diện những bộ trang phục truyền thống cầu kỳ, màu sắc phong phú; nấu những món ăn, đồ cúng đặc biệt mà thường ngày không có; trai gái lên chùa cúng Phật rồi múa, hát cùng nhau.
“Dù cuộc sống thành phố đã làm giới trẻ có nhiều thay đổi, nhưng những nghi lễ, phong tục truyền thống trong dịp Tết vẫn được các gia đình Khmer giữ gìn. Nếu có khác, cũng chỉ là chuyện xưa hát bằng đàn ngũ âm, nay hát qua micro và dàn âm ly điện tử”, ông Lâm Ngọc Thành vui vẻ cho hay.
Nhân dịp Tết cổ truyền Khmer Chôl Chnăm Thmây 2019 của đồng bào Khmer Nam Bộ, tối 7/4, tại chùa Candaransi (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà chư tăng và đồng bào Khmer đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trao tặng học bổng cho các sinh viên Khmer đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu-DT&MN/TTXVN |
Tết dân tộc kết nối với thế hệ tương lai
Ngay đầu tháng 4, không khí chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây đã về tràn ngập khu dân cư bà con Khmer tại đường Bùi Thế Mỹ, Phường 10, Tân Bình, một trong những địa điểm được coi là tập trung đông bà con Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bà con cùng nhau dọn nhà, trang hoàng lại nhà cửa, sơn sửa tường rào, cánh công… và cuối tuần cùng đến chùa Pothivong làm những công việc chuẩn bị cho mùa Tết năm nay.
Sự náo nức đón mùa Tết cổ truyền của bà con láng giềng đã khiến cô gái Danh Thị Hiếu Thảo hiện đang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Bình cũng bồn chồn, ngóng đợi. Bởi nhiều năm qua, cứ mỗi mùa Tết Chôl Chnăm Thmây, cô lại được mua cho quần áo mới, được cùng bạn bè trong xóm chơi những trò chơi truyền thống và được lên chùa hát, múa Roam - vông.
Nói về cô con gái yêu, anh Danh Huy Hoàng cho biết, Hiếu Thảo sinh ra trong gia đình bố mẹ cùng là người Khmer, nhà lại ngay cạnh chùa Pothivong, ngay từ bé Hiếu Thảo đã quen với những phong tục văn hóa, nghi lễ truyền thống của người Khmer. Cứ gần đến Tết Chôl Chnăm Thmây, Hiếu Thảo lại náo nức cùng bạn bè luyện tập những bài ca, điệu múa dân tộc để biểu diễn trong dịp đón mừng năm mới Khmer.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thu, Trưởng Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Tết Chôl Chnăm Thmây xưa kia là lễ hội đánh dấu giao mùa, là dịp thể hiện sự tri ân, thờ phụng tổ tiên. Với cuộc sống hiện đại hiện nay của những người Khmer tại Thành phố, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có một ý nghĩa rất quan trọng là cơ hội để giới trẻ Khmer hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, góp phần lưu giữ, bồi đắp những nét đẹp truyền thống của nền văn hóa dân tộc Khmer.
Tại hai chùa Candaransi và Pothivong, các hoạt động đón Tết đã được các nhà sư và người dân Khmer quanh chùa chuẩn bị chu đáo trong tiếng nhạc, lời ca truyền thống. Hàng rào được sửa sang; cửa cổng được quét sơn lại; khuôn viên chùa, tháp thờ Phật, nhà tăng, chính điện… đều đã được quét dọn, sơn sửa chu đáo chuẩn bị cho những nghi lễ đón Tết của đồng bào Khmer Thành phố Hồ Chí Minh và ở các địa phương lân cận.
Chương trình văn nghệ truyền thống mừng đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2019 tại tại chùa Candaransi (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Xuân Khu |
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế -xã hội của thành phố, bằng sự nỗ lực của mỗi cá nhân và sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer ngày càng được cải thiện, nâng dần theo kịp mức sống chung của người dân thành phố. Những đổi thay tích cực trong cuộc sống mỗi gia đình và sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng đã góp phần nhân thêm niềm vui trong mùa lễ hội và những điệu múa Roam-vông của người Khmer ở Thành phố Hồ Chí Minh thêm rộn ràng trong Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay./.
Xuân Khu