Trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức đã khai mạc sáng 18/1 tại Hà Nội. Với trên 30 hiện vật và tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày giới thiệu với công chúng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Tại lễ khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ: Trong tâm thức dân gian, hổ là loài vật biểu tượng của quyền lực, có sức mạnh chinh phục muôn loài, chúa tể sơn lâm, bởi vậy hổ được thiêng hóa và trở thành biểu trưng của quyền uy, sức mạnh. Hình tượng hổ xuất hiện khá sớm trong đời sống con người với những thông tin, hình khắc trên đá khoảng 7.000-8.000 trước. Hổ được sùng bái và trở thành vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử, còn tồn tại đến ngày nay ở một số dân tộc với quan niệm tôn thờ, kính sợ sức mạnh, sự oai linh…
Cùng với tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ xuất hiện với nhiều biến thể đa dạng, phong phú trên các loại hình, chất liệu khác nhau từ tượng thờ, vật liệu trang trí, tranh thờ dân gian mang nhiều ý nghĩa, gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Chúng ta thấy hổ là linh vật trấn giữ đền miếu, tam quan, đứng bên các trục thần đạo trong lăng mộ. Nhiều đền, miếu còn có ban riêng thờ ông hổ, ở miền Nam còn lập đền thờ ông hổ với ý nghĩa giống như đền thờ cá ông. Ngoài ra, hình tượng hổ được tạc chầu trong các ban thờ Mẫu với các màu sắc tượng trưng cho ngũ hành, trấn giữ các phương. Ta còn bắt gặp hình tượng hổ trên tranh dân gian Hàng Trống - một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết đến Xuân về.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn: Có thể nói, hình tượng hổ đã đồng hành, tạo nên những nét đặc sắc với những phức cảm thẩm mỹ đa dạng của mỹ thuật cổ Việt Nam. Trưng bày "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" sẽ giúp công chúng hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của linh vật hổ; sự phát triển của hình tượng hổ trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam và phần nào đó lý giải tại sao hổ là một linh vật quan trọng, có mặt trong 12 con giáp…
Trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" trưng bày các hiện vật, tài liệu, hình ảnh theo nhiều nội dung cụ thể theo niên đại kết hợp loại hình.
Đầu tiên là nội dung “Hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn” liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, vạn vật hữu linh.
Tiếp theo là “Hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu công nguyên”, gắn với các quan niệm về Tứ tượng hay còn gọi là Tứ linh, Tứ Thần thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (Phương Nam), Huyền Vũ (Phương Bắc). Các thần thú này còn đại diện cho các khía cạnh khác như: 4 mùa trong năm, đức tính, nguyên tố trong tự nhiên, vị trí của các chòm sao trong thiên văn học thời cổ…
Phần thứ 3 là “Tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13 – 18”. Từ thời Trần (1225 - 1400), hổ xuất hiện với tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong, đồng thời được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ...
Tiếp đến là “Hổ trong nghệ thuật gốm” là nội dung trưng bày khá hấp dẫn. So với các linh vật như rồng, phượng, lân hoặc chim, cá, vịt, hươu, ngựa... hình ảnh của hổ xuất hiện khá ít trên đồ gốm.
Phần nội dung “Hổ trong điêu khắc đình làng thế kỷ 16 – 18” thể hiện trong một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống.
Phần trưng bày “Hổ trong tranh dân gian Hàng Trống” có trưng bày “Ngũ hổ” - bức tranh nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời trong không gian thờ phụng. Ngoài tranh "Ngũ hổ" còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng như thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ. Màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống khá lộng lẫy uy nghi nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo.
Phần cuối: “Hổ trong mỹ thuật thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20”. Thời Nguyễn để lại nhiều di sản mỹ thuật phong phú với những hình tượng trang trí đa dạng, từ cung đình đến dân gian, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” mở cửa đón khách đến ngày 31/8/2022 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).
Thanh Giang