Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình Việt Nam là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Đề cao tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ
Gia đình là nơi hiện hữu và hài hòa các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cháu, chắt, ông bà… liên kết với nhau bằng tình cảm và huyết thống. Gia đình có truyền thống lâu đời, tồn tại trong dòng họ, cộng đồng, được hình thành và phát triển bền vững, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, đời nối đời làm nên những giá trị quý báu. Giá trị lớn lao mà gia đình truyền lại đó là cách ứng xử tôn trọng-bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Cũng nhờ báu vật ứng xử này mà gia đình có được tình yêu, tình thương bao la, lòng vị tha nhân ái, đức hy sinh cao cả, khả năng duy trì nòi giống mãnh liệt và sức lao động sáng tạo bền bỉ diệu kỳ.
Gia đình thời hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đông dân cư, có sự giao lưu văn hoá lớn đang phải đối mặt với những thách thức mới. Bảo tồn các giá trị gia đình truyền thống đang bị thách thức bởi lối sống hiện đại khi các thành viên trong gia đình ngày càng ít có thời gian dành cho nhau. Cách cư xử của con người trong gia đình cũng thay đổi. Đây cũng là lý do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng một bộ tiêu chí ứng xử riêng.
Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam. Cụ thể, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó, thực hiện nguyên tắc “Tôn trọng”, các thành viên trong gia đình cần đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau. Thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng”, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Thực hiện các nguyên tắc “Yêu thương” và “Chia sẻ”, các thành viên trong gia đình cần có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau, cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Các thành viên thuộc nhóm vợ chồng; ông bà, cha mẹ và con, cháu; anh, chị, em trong gia đình ngoài thực hiện tiêu chí ứng xử chung, có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí cụ thể được quy định tại bộ tiêu chí này.
Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình.
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương.
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép.
Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em trong gia đình là hòa thuận, chia sẻ.
Theo bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bắt tay vào xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đến năm 2020-2021 thì triển khai thí điểm ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi một miền chọn 4 tỉnh để thí điểm. Ngoài 12 tỉnh đó, các tỉnh, thành phố còn lại cũng bố trí kinh phí cho việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình này ở địa phương họ bằng nhiều hình thức khác nhau, thí dụ như tuyên truyên ở các câu lạc bộ tại xã, huyện, tuyên truyền trên loa phóng thanh địa phương, hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn hóa địa phương theo nguồn kinh phí có sẵn...
Sau thời gian triển khai thí điểm, việc tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các tỉnh, thành phố này đang dần tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp trong gia đình
Có thể nói, gia đình chính là nền tảng vững chắc của xã hội. Chính gì vậy, xã hội càng hiện đại càng phát triển, chúng ta lại càng phải giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
Từ xa xưa, ông cha ta đặc biệt coi trọng vấn đề gia giáo, gia lễ, gia pháp, gia phong mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam có rất nhiều câu thể hiện điều này. Từ lúc mới sinh ra, con người đã được đặt trong sự gắn bó thiêng liêng của tình mẫu tử, phụ tử: “Phụ tử tình thâm”, “Xương cha, da mẹ”, “Cá chuối đắm đuối vì con”. Khi khôn lớn mỗi người không thể quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Chữ “hiếu” luôn được đề cao trong quan hệ ứng xử với cha mẹ và được thể hiện bằng tục báo hiếu. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, con cái đối với cha mẹ đã được ông cha ta nâng lên thành đạo làm cha mẹ, đạo làm con. Từ mối quan hệ chủ đạo này đã hình thành nên đạo thờ ông bà tổ tiên, đạo thờ cha mẹ, góp phần nuôi dưỡng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Trong quan hệ ứng xử, người xưa cũng đặc biệt coi trọng tình nghĩa giữa anh chị em trong một gia đình: “Anh em như thể tay, chân. Như chim liền cánh, như cây liền cành”, “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”… Mối liên hệ ruột thịt là mối liên hệ thiêng liêng không thể chia cắt: “Cắt dây bầu dây bí/ Chẳng ai cắt dây chị dây em”. Vì lẽ đó, ông cha ta cũng lên án những ai không giữ được tình cảm anh em: “Người dưng có nghĩa thì đãi người dưng/ Anh em vô nghĩa thì đừng anh em”…
Đối với quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận và tình nghĩa thủy chung luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng, là mối ràng buộc trách nhiệm cao suốt đời người: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, “Đốn cây ai nỡ dứt chồi/ Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”…
Chính gia lễ, gia phong ấy là cái gốc của gia đình, giữ cho con người, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt và sự trong sáng với cội nguồn qua bao đời nay. Trong xã hội hiện đại, những giá trị truyền thống của gia đình vẫn tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa, là yếu tố nội sinh tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, trước những tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, giá trị truyền thống của gia đình cũng không tránh khỏi những biến đổi. Mối quan hệ giữa các thành viên trong một số gia đình đang trở nên lỏng lẻo và thiếu gắn kết. Mối quan hệ vợ chồng có những lúc, những nơi bị biến đổi theo chiều hướng xấu; sự thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận vợ chồng có biểu hiện suy giảm; quan hệ hôn nhân của một số gia đình trẻ trở nên dễ vỡ, do bị chi phối bởi lối sống cởi mở, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất, làm cho tỷ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây.
Mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu có biểu hiện thiếu gắn kết, do không gian sống và giao tiếp gia đình thu hẹp, nhu cầu, sở thích cá nhân được đề cao. Không ít người làm cha, làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm, không chăm lo cho thế hệ tương lai và cũng có không ít nghịch cảnh con cháu thiếu trách nhiệm với cha mẹ, ông bà, bất hiếu, bất nghĩa. Quan hệ anh em cũng nảy sinh những bất ổn, có khi chỉ vì đồng tiền, lợi ích nhỏ nhoi, tầm thường mà đánh mất tình nghĩa anh em ruột thịt. Do những tính toán thiệt hơn, vun vén lợi ích cá nhân đã làm cho tình làng, nghĩa xóm có phần giảm sút.
Bởi vậy, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chỉ thực sự phát huy tác dụng khi những người tham gia ý thức được trách nhiệm của mình trong mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, từ đó xây dựng nền tảng gia đình bền vững và tiếp đến tạo nên xã hội văn minh.
Gia đình là tế bào của xã hội. Chỉ khi một gia đình khoẻ mạnh thì mới tạo nên một xã hội khoẻ mạnh. Mỗi gia đình và toàn xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vấn đề này, chủ động phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.
Diệp Ninh (tổng hợp)