Gìn giữ, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then trên quê mới

Gìn giữ, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then trên quê mới
Khoảng năm 1991, nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng đã vào Bình Phước lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Thời gian đầu, đồng bào chủ yếu canh tác lúa nước, hoa màu, thu nhập còn hạn chế. Sau đó, với tính cần cù, ham học hỏi, nhiều hộ dân ấp Sóc Nê đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu ở vùng đất mới. Giờ đây, mảnh đất hoang đã trở thành rẫy điều, tiêu cao su bạt ngàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gìn giữ, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then trên quê mới ảnh 1
Ngoài công việc nương rẫy, các thành viên trong Câu lạc bộ tập hợp các cháu nhỏ để truyền dạy nghệ thuật hát then, đàn tính. Ảnh minh họa: dotchuoinon.com

Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, người dân ấp Sóc Nê còn quan tâm bảo tồn, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then. Sau những giờ lao động ở rẫy trồng tiêu, trồng điều, người dân trong ấp lại tụ họp, cùng đàn, hát. Ông Vương Văn Thè (59 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính, hát then ấp Sóc Nê cho biết: Khi mới từ quê vào Bình Phước xây dựng kinh tế mới, nhiều gia đình gặp khó khăn. Nhưng sau đó, nhờ trồng cây điều, cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của người dân đã ổn định hơn. Trong các dịp lễ, Tết bà con cùng quê càng gắn bó với nhau hơn nhờ có Câu lạc bộ đàn tính, hát then. Khi mới thành lập, vào năm 2005, Câu lạc bộ đàn tính, hát then âp Sóc Nê được thành lập với 6 thành viên, đến nay đã thu hút thêm nhiều thành viên tham gia. Các thành viên trong Câu lạc bộ đã được đi giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, ông Vương Văn Thè luôn trăn trở trước thực trạng lớp trẻ bây giờ không thích chơi đàn tính, hát điệu then. Vì vậy, ngoài công việc nương rẫy, các thành viên trong Câu lạc bộ tập hợp các cháu nhỏ để truyền dạy nghệ thuật hát then, đàn tính. Mỗi khi có dịp đi biểu diễn giao lưu, các thành viên trong Câu lạc bộ đều vận động các cháu tham gia đi học hỏi. "Chúng tôi đều có tuổi rồi nên rất mong muốn các cháu tiếp tục gìn giữ bản sắc và phát huy thể loại nghệ thuật dân tộc", ông Thè nói.

Ông Lý Văn Sóng từ tỉnh Cao Bằng đến Bình Phước lập nghiệp từ năm 1992 là 1 trong 6 người đầu tiên tham gia thành lập câu lạc bộ đàn tính, hát then chia sẻ: "Chúng tôi đều là những người xa quê nhưng không vì thế mà quên đi bản sắc của dân tộc mình. Trên mảnh đất Bình Phước này, chúng tôi đã đến với nhau bằng cây đàn, lời hát sau những ngày lao động mệt nhọc và quan trọng hơn là gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình trên mảnh đất mới này”.

Bà Nông Thị Niu, một thành viên của câu lạc bộ cho biết: "Bà biết đến cây đàn tính từ khi còn ở quê cũ, nhưng vì đời sống kinh tế nên một thời gian bị lẵng quên. Bây giờ, chúng tôi có đều kiện kinh tế khá giả hơn nên mọi người cùng nhau phát huy, gìn giữ nét đẹp truyền thống này".

Gìn giữ, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then trên quê mới ảnh 2
Đội văn nghệ đàn tính, hát then là cấu nối gắn kết những người xa quê ở Bình Phước. Ảnh minh họa: baobinhphuoc.com.vn

Hiện nay, ấp Sóc Nê có nhiều cháu nhỏ đã tham gia câu lạc bộ đàn tính, hát then. Cháu Vy Thị Lan Hương (12 tuổi) cho biết, cha mẹ cháu đều biết đàn tính, hát then. Ban đầu, cháu thấy đàn tính rất khó nhưng được sự truyền dạy nhiệt tình của các cô, chú trong Câu lạc bộ, cháu đã hiểu và yêu đàn tính. Cháu Vương Thi Kim Oanh (13 tuổi) chia sẻ: “Từ khi được vào Câu lạc bộ sinh hoạt, cháu thích lắm. Được truyền dạy, cháu hiểu hơn về bản sắc của dân tộc mình để từ đó biết gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này. Ở Câu lạc bộ đàn tính, hát then, cháu đã biết thêm nhiều bài hát ca ngợi quê hương, đất nước”.

Hiện nay, Câu lạc bộ đàn tính, hát then còn biểu diễn khá nhiều bài hát về quê hương Bình Phước bên cạnh những bài hát cũ truyền thống của dân tộc. Những tiếng đàn, lời hát đã giúp họ xích lại gần nhau hơn. Chính quyền địa phương rất quan tâm đến Câu lạc bộ đàn tính, hát then và luôn động viên người dân gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Ông Đồng Phú Bích, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Tiến cho biết: Phong trào đàn tính, hát then của đồng bào Tày, Nùng tại ấp Sóc Nê đang ngày một phát triển. Câu lạc bộ đã mang lời ca tiếng đàn đến mọi người sau những ngày làm việc vất vả. Trong thời gian tới, Câu lạc bộ sẽ mở rộng các thành viên tham gia.

Tiếng đàn tính, điệu hát then đã được gìn giữ và phát huy trên vùng đất mới Bình Phước./.
K GỬIH (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm