Chung sức bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ trước các tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu, qua đó thiết lập một “bức tường xanh” vững chắc để bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, đây là những nội dung được đưa ra tại Hội thảo Kỷ niệm 20 năm quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000-2020), do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/7.
“Lá phổi xanh” của Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ cho biết rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Sau gần 20 năm khôi phục và phát triển, từ những cánh rừng hoang sơ ban đầu, Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành “lá phổi xanh” của Thành phố, có chức năng điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm thiểu đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển; ngăn ngừa nước biển dâng cao cũng như góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển. Bên cạnh đó, cây rừng còn cung cấp củi, gỗ được dùng làm bột giấy, ván dăm, ván ghép; có thể khai thác lâu dài vì cây có khả năng phục hồi nhanh. Vỏ cây dùng để sản xuất chất tanin dùng nhuộm vải lưới, làm keo dán; lá cây mắm được dùng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, các loại cây như cây lức, ô rô, xu, chùm gọng… trong vùng ngập mặn Cần Giờ còn được dùng để làm thuốc.
Một nguồn lợi quan trọng khác không thể không kể đến, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Viên Ngọc Nam (Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh), chính là nguồn lợi về thủy, hải sản. Rừng ngập mặn Cần Giờ có rất nhiều loại tôm, cá có giá trị kinh tế cao như cá chẽm, cá mú, cá ngát, tôm sú, tôm thẻ, sò huyết… Lá cùng các bộ phận của cây trong rừng ngập mặn khi rụng xuống sẽ phân hủy thành mùn hữu cơ, là nguồn thức ăn dồi dào cho các loại động vật dưới nước.
Nghề nuôi tôm, sú, nghêu, sò phát triển từ năm 1993 cho tới nay tại đây chính là kết quả của việc phục hồi thành công Rừng ngập mặn Cần Giờ, góp phần rất quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo, phát triển xã hội cũng như cải thiện đời sống nhân dân.
Chung tay bảo tồn tài nguyên rừng bền vững
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ được Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch, phát triển thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Nhờ có sự đầu tư và phát triển của Thành phố mà hệ thống cầu, đường bộ, kênh, mương, lối đi trong rừng đã được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tới tham quan và nghỉ dưỡng tại đây. Định hướng trong thời gian tới, UBND huyện Cần Giờ sẽ tập trung đầu tư phát triển hoàn chỉnh và tổ chức khai thác có hiệu quả không gian du lịch rừng trên cơ sở từng bước khép kín và kết nối với các không gian du lịch khác trong khu vực.
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, thuộc Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập măn Cần Giờ, cũng đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, quan trắc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhằm định hướng công tác quản lý tài nguyên rừng, hướng đến phát triển bền vững, gia tăng diện tích rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phối hợp với Viện Sinh thái học Miền Nam điều tra thành phần các loài chim trong rừng phòng hộ, phục vụ đề tài Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, từ năm 1990 đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho 144 hộ gia đình tại địa phương và 12 cơ quan, đơn vị. Mô hình này đã mang lại hiệu quả tốt khi các hộ giữ rừng đã yên tâm gắn bó và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng. Đến nay, các hộ nhận khoán đầu tiên vẫn đang tiếp tục gắn bó với rừng thuộc Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ và được coi như những hạt nhân trong quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và quy hoạch Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ; huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư và các bên liên quan vào công tác quản lý và khai thác sử dụng các loại tài nguyên rừng; thực hiện tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; nghiên cứu sinh kế cộng đồng cho cư dân quanh vùng đệm.
Thành phố thiết lập các chốt bảo vệ rừng ở nơi xung yếu và tất cả các tiểu khu, tạo lập mối quan hệ giữa các lực lượng bảo vệ rừng và nhân dân quanh vùng đệm; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương huyện, xã, các lực lượng vũ trang trên địa bàn để tổ chức cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng, làm tốt công tác khuyến lâm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động qua trồng rừng.
Yên tâm về tác động của Dự án khu đô thị du lịch
Liên quan đến Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình “Con người và Sinh quyển” Việt Nam cho biết trên lý thuyết, việc thực hiện Dự án là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO vì chỉ sử dụng phần bãi và biển, cách xa các tuyến đường thủy hiện tại và dài hạn; không ảnh hưởng đến đất rừng và các di tích khảo cổ.
Dự án cũng không gây ra tình trạng mất đất ở, không có di dân, tái định cư; không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thủy, hải sản của địa phương mà chỉ ảnh hưởng đến vùng bãi nuôi nghêu cho năng suất thấp tại khu vực bãi biển. Như vậy, có thể tạm yên tâm về tác động môi trường và xã hội của dự án.
Tuy vậy, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí cũng cho rằng, do thời gian triển khai Dự án tương đối dài nên chính quyền địa phương cùng các cấp quản lý có liên quan cần yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục có các nghiên cứu về nguy cơ xói lở vùng đất ven rừng, hoặc những tình trạng thời tiết cực đoan có thể phát sinh trong quá trình thi công và phải đưa ra hướng giải quyết; đảm bảo bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn khi Dự án hoàn thành.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước Việt Nam cho rằng, Dự án sẽ tạo thêm quỹ đất, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, theo ông, khi thực hiện, chủ đầu tư cần tiến hành đánh giá tác động môi trường của Dự án một cách nghiêm túc, thận trọng và khách quan, chú ý đến vấn đề hệ sinh thái, môi trường với tầm nhìn dài hạn, đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển nơi đây./.
Hồng Giang