Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng đang phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
* Cần thống nhất đầu mối quản lý
Bàn về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và vai trò của cộng đồng dân cư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, những Quy định, Nghị định và Thông tư về Quản lý chất thải rắn đã nêu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn.
Để đạt được hiệu quả cao trong việc thực thi Luật, cần nâng cao năng lực thực hiện của địa phương; vai trò đồng thuận của người dân và xã hội trong việc cùng thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật; tăng cường hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là công tác giám sát, thanh tra... Hàng năm, cơ quan quản lý môi trường của Nhà nước nên có đánh giá về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường đối với quản lý chất thải rắn sinh hoạt, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, nhất là đối với quy định trong các nghị định, thông tư.
Ngoài ra, để khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Tiến sỹ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề nghị thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như: Các cơ quan chức năng cần thống nhất đầu mối trong chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Trung ương và địa phương xây dựng chính sách cần tham vấn nhân dân, đối thoại với nhân dân và đảm bảo công tác phản biện, kiểm tra và giám sát của cộng đồng dân cư.
Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xác định lộ trình từ nay đến năm 2024 tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu tiền theo khối lượng hoặc trọng lượng rác và xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm không phân loại rác; tăng cường truyền thông phổ biến cho người dân biết về những chính sách mới về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn, sử dụng bao bì đúng quy định và chuyển giao rác cho đơn vị dịch vụ.
Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở người dân; quy hoạch xây dựng các điểm thu gom rác hợp lý, thuận tiện và đảm bảo cảnh quan môi trường; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp xã làm nhiệm vụ theo dõi việc phân loại rác và xử phạt các hành vi vi phạm.
* Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Đối với bất kỳ một hệ thống quản lý chất thải rắn nào thì phí chất thải là một hợp phần rất quan trọng. Phí chất thải không chỉ là vấn đề tài chính của một hệ thống mà còn tạo chức năng khuyến khích kinh tế nhằm định hướng người xả rác có những sự thay đổi trong hành vi, hướng tới thải những chất thải với thành phần và khối lượng phù hợp. Một trong những mô hình thu phí chất thải được các nước triển khai để đạt được mục đích kép trên đó là mô hình thu phí chất thải rắn dựa trên lượng thải.
Tại Việt Nam đã có các quy định về nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng nguồn thu từ dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần gánh nặng trợ giá từ ngân sách nhà nước. Việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng được xác định là công cụ để phát triển thị trường thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt được tổ chức đấu thầu công khai cho các nhà thầu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Thị Thanh, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức quản lý nhà nước, phát triển thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt nên tập trung vào một đầu mối từ cấp Trung ương đến các địa phương.
Ở Việt Nam hiện nay, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang giao cho nhiều bộ, ngành (sở, ngành tại các địa phương) quản lý: Chính phủ đã có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, một số địa phương đã bắt đầu định hướng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp việc. Tuy nhiên, các địa phương đều đề nghị để thực hiện tốt việc này cần sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các bộ và sửa đổi Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, cần từng bước áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt và chất lượng sản phẩm tái chế từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nên tránh việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt mà cần nâng cao năng lực, quy mô, sức cạnh tranh của đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Thị Thanh cho rằng, Việt Nam nên sớm tiến hành thu phí vệ sinh theo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và khuyến khích người dân giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
Trong khu vực dân cư, phí vệ sinh cần được tính làm nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào phương thức phục vụ, tránh việc thay đổi giá dịch vụ một cách đột ngột; cần có lộ trình cụ thể, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có thực hiện thí điểm để tạo sự đồng thuận, rút kinh nghiệm kịp thời, tránh gây bức xúc trong nhân dân; cần công khai, minh bạch thông tin về thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt trên cơ sở thông tin về thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng, cập nhật và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và của địa phương để cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng dân cư cùng theo dõi.
Ngoài ra, cần có kênh thông tin tiếp nhận ý kiến về chất lượng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt; cần công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, theo đó dần hạn chế hình thức đặt hàng, giao kế hoạch cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt cho các doanh nghiệp nhà nước, tiến tới để giá đấu thầu quyết định đơn vị trúng thầu.
Đối với các chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, cần phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cùng nâng cao ý thức, hành vi bảo vệ môi trường trên nguyên tắc mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và người gây ô nhiễm cùng người hưởng lợi đều phải trả tiền. Hoạt động này phải tiến hành thường xuyên, liên tục, đổi mới các hình thức tuyên truyền trên phạm vi cả nước và được lồng ghép trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, không nên làm theo kiểu hô hào, khẩu hiệu.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các chủ thể thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, xem xét xử phạt các chủ thể của thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức lũy tiến, tăng nặng dần sau mỗi lần vi phạm. Đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt cần xem xét bổ sung việc đình chỉ hoạt động nếu để xảy ra vi phạm nhiều lần.
Lý Thanh Hương