Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại buổi mít tinh. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Tại Lễ mít tinh, học sinh của Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đem đến nhiều thông điệp, giới thiệu nhiều tác phẩm bằng hình ảnh, video trực quan, sinh động về tác động của thiên tai, hạn hán cũng như các giải pháp, biện pháp cần chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai mà các em đã thực hiện trong những ngày qua để hưởng ứng kỷ niệm Ngày Truyền thống phòng, chống thiên tai và Tuần lễ Quốc gia chống thiên tai Việt Nam. Các thầy, cô giáo và học sinh của Trường còn tham gia diễn tập cách ứng phó với thiên tai, giông lốc có thể xảy ra tại trường học; hướng dẫn cách sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh khi bị tai nạn xảy ra do thiên tai… Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao những thông điệp về ứng phó với thiên tai mà các em học sinh của Trường đã đem đến người xem rất sinh động, cụ thể. Các em cơ bản đã hiểu về việc cần phải phòng, chống rủi ro thiên tai. Đây là cơ sở, điều kiện tốt để các em tuyên truyền, phổ biến, phát huy năng lực làm truyền thông đến cộng đồng, xã hội để hiểu về tác động của thiên tai và cùng ứng phó có hiệu quả. Bà Rana Flowers mong muốn lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống thiên tai và đặt trẻ em làm trung tâm. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho người dân, nhất là trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn đang có chiều hướng tác động ngày một lớn. Đồng thời, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em cần được chú trọng, bởi theo thống kê của tỉnh, tình hình trẻ em suy dinh dưỡng và thấp còi ở địa phương vẫn còn cao. Tỉnh cần có cơ chế, phân bổ nguồn lực để đưa các chỉ số về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để trẻ em phát huy tiềm năng, năng lực của mình.
Các em học sinh THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn tập phòng tránh phòng tránh giông lốc có thể xảy ra khi đang học. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Trung bình mỗi năm, thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích, gây thiệt hại về kinh tế từ 1 - 1,5% GDP. Ngoài ra, thiên tai gây ra những hệ lụy lâu dài đối với môi trường sống, tác động không nhỏ đến sản xuất, đời sống và sinh hoạt của người dân, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết, Dự án “Giảm nhẹ rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu của thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc hỗ trợ, triển khai tại tỉnh Ninh Thuận là hết sức quan trọng. Đây là hoạt động bổ ích, có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với học sinh mà còn đối với toàn xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về thiên tai. Qua đó, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và toàn xã hội để chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ ngôi nhà chung của mọi người . Trong hai năm 2015 - 2016 và những tháng đầu năm 2018, Ninh Thuận đã trải qua hai đợt hạn hán khốc liệt nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Hạn hán kéo dài đã tác động, làm cho 31/47 xã trong tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề; đồng thời làm gần 42.000 người dân lâm vào tình trạng thiếu đói, cần hỗ trợ gạo, cấp nước sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, tác động của thiên tai đã làm trên 1.300 con gia súc có sừng chết; hơn 500 ha cây trồng bị thiệt hại 100% và gần 16.500 ha đất phải dừng sản xuất do thiếu nước. Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Ninh Thuận lại xảy ra lũ lụt do ảnh hưởng nghiêm trọng từ ba cơn bão, làm thiệt hại nặng nề về tài sản, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.
Công Thử