Bài 2: Nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, hàng năm tỉnh Long An sản xuất trên 500 ngàn ha lúa các loại với sản lượng 1,7-1,8 triệu tấn. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp luôn tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, nâng cao lợi nhuận của người nông dân. Qua đó, Long An đầu tư hạ tầng, nhất là thủy lợi, giao thông để phục vụ sản xuất; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền vận động nông dân sản xuất giống chất lượng cao, giống xác nhận. Đặc biệt, chuyển đổi các giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với các giống lúa thơm.
Lúa được tạm trữ tại Nhà máy chế biến lương thực ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Điển hình như nông dân và doanh nghiệp chưa thống nhất về giá thu mua; chạy theo lợi nhuận, nông dân vẫn còn xịt thuốc, bón phân ở giai đoạn cuối nhằm tăng sản lượng lúa, làm ảnh hưởng đến an toàn chất lượng lúa cao; sản xuất của nông dân thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp xuất khẩu; các tổ hợp tác và Hợp tác xã chưa phát huy hết được hiệu quả, dẫn đến nông dân còn tâm lý e ngại khi tham gia;… Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã tập trung vào phát triển vùng lúa chất lượng cao. Tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu, với diện tích canh tác hơn 48 ngàn ha ở 25 xã thuộc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Long An phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập người dân. Đồng thời, nông dân sản xuất lúa trong vùng quy hoạch phải thực hiện gieo sạ bằng các loại giống xác nhận chất lượng cao, áp dụng các quy trình thống nhất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,... bảo đảm 100% sản lượng lúa thu được phải là lúa chất lượng cao, phục vụ chế biến xuất khẩu. Riêng năm 2018, Long An có 13 doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 24 ngàn ha, chủ yếu tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa. Qua thống kê, sản lượng xuất khẩu đạt 468 ngàn tấn gạo, giảm 27%; kim ngạch xuất khẩu đạt 35 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, tỉnh Long An vừa tổ chức Hội nghị “Trao đổi, bàn giải pháp thu mua và tiêu thụ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2018-2019”. Tại hội nghị này, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng hiện nay, việc thu mua, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ngân hàng, đầu ra không ổn định và lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp khá lớn (ước khoảng 157.000 tấn lúa, 53.000 tấn gạo). Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong việc tiếp tục triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo. Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An chia sẻ, hiện hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn kinh doanh nên ảnh hưởng đến sản lượng gạo xuất khẩu. Các doanh nghiệp chưa có hợp đồng xuất khẩu nên thiếu tiền mua lúa trong dân, dẫn đến cung vượt cầu. Bà Liên mong ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn mua lúa tạm trữ chờ xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo siết chặt hơn, quy định về những rào cản kỹ thuật, thuế quan,... nhất là thị trường Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ hơn nên sản lượng doanh nghiệp xuất khẩu theo đường tiểu ngạch giảm. Theo bà Lê Thị Mỹ Hiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Long An, thì tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2018-2019. Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An đang yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tỉnh bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua lúa, gạo, kịp thời báo cáo tình hình về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An để phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các ngân hàng tạo điều kiện đáp ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh lúa gạo của nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Hiện dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh khoảng 62.000 tỷ đồng, trong đó ngành lương thực, thực phẩm khoảng 17.000 tỷ đồng và thu mua lúa tạm trữ khoảng 2.700 tỷ đồng. Cùng với việc tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, tỉnh Long An tập trung nhiều giải pháp đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và xuất khẩu lúa gạo. Theo đó, Long An từng bước giảm diện tích lúa Thu Đông và duy trì lúa 2 vụ chất lượng cao; chủ động về thủy lợi để vừa ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật cao, vừa giảm giá thành sản xuất; phát triển các loại gạo an toàn, chất lượng cao, gạo hữu cơ hoặc đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười như gạo Huyết rồng theo cơ cấu luân canh lúa-màu, cho các thị trường đặc biệt. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết thêm, hiện tỉnh đang tăng cường tuyên truyền cho nông dân nắm bắt các quy định về chất lượng gạo, danh mục, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trang sản xuất (tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật)...; trong đó, chú trọng các quy định của thị trường chủ yếu như: Trung Quốc, Philippines, Malaysia giúp nông dân cùng đồng hành với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ngoài ra, Long An hình thành các Chi hội gạo tại các địa phương để tăng cường tính liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp, tạo thành một thị trường chung đồng nhất về giá và chất lượng. Hạn chế tình trạng “ tranh mua, tranh bán”, làm giảm chất lượng, giảm giá bán, mất uy tín thương hiệu Việt và gây tổn hại cho người sản xuất. Tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách, chủ trương sắp tới của thị trường Trung Quốc, kịp thời phổ biến các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, giúp doanh nghiệp biết, tận dụng những cơ hội, ưu đãi do Hiệp định mang lại cho mặt hàng gạo nói riêng và hàng nông sản nói chung. Long An đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài; kịp thời hỗ trợ để định hướng doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Tỉnh cũng tập trung thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và hợp tác xã tham gia xây dựng vùng nguyên liệu. Qua đây, giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tổ chức sản xuất và thu mua tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng cường đầu tư vùng nguyên liệu; đồng thời, người nông dân cùng hợp tác thông qua Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc; từng bước xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tỉnh Long An cũng đề xuất Chính phủ sớm có giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có sự liên kết chặt chẽ tránh tranh mua, tranh bán trên thị trường nội địa cũng như quốc tế. Tính đến nay, toàn tỉnh Long An đã thu hoạch khoảng 130.000 ha, chiếm 62% diện tích gieo sạ. Sau một thời gian giá lúa xuống thấp, hiện giá lúa vụ Đông Xuân 2018 - 2019 đã tăng trở lại so với thời điểm đầu vụ thu hoạch từ 200 – 300 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa Nàng Hoa 9 từ 5.200 – 5.300 đồng/kg, Đài thơm 8 giá 5.000 đồng/kg, OM6976, OM4900 có giá trung bình từ 4.800 – 4.900 đồng/kg, RVT giá 5.500 đồng/kg. (còn tiếp)
Thanh Bình