Ngày 14/9, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tổ chức diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”.
Tại diễn đàn, đại biểu các tỉnh, thành trên cả nước và các sở, ban ngành đã trình bày các tham luận về phòng, chống, giảm thiểu rủi ro, thiên tai dựa vào cộng đồng tại khu vực duyên hải miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, chia sẻ các thực tiễn, kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm rút ra sau quá trình triển khai. Qua đó, đưa ra các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho người dân dựa vào nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Do tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt cùng với điều kiện chia cắt về mặt địa lý cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đã và đang đặt cộng đồng trong môi trường dễ bị tổn thương mà ở đó người dân là một trong những đối tượng đầu tiên phải đối mặt với các rủi ro thiên tai. Vì vậy, nâng cao nhận thức, năng lực của người dân, cộng đồng và chính quyền trong phòng chống thiên tai là rất cần thiết.
Từ đó, cung cấp kiến thức, cập nhật thông tin, nâng cao năng lực của người dân trong lĩnh vực phòng chống thiên tai nhằm góp phần làm tăng khả năng chống chịu cho gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, làm tốt việc chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, nâng cao năng lực cộng đồng là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp về kỹ thuật giúp nông dân thích ứng, giảm nhẹ tác hại của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp đã được đưa ra và triển khai tại nhiều địa phương tùy theo từng vùng, thế mạnh của mỗi địa phương để xây dựng các chương trình, dự án phù hợp như: chủ động bố trí cơ cấu sản xuất né tránh thiên tai; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ; áp dụng kỹ thuật tưới nước hợp lý, tiết kiệm; áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp…
Tại diễn đàn, đại biểu ngành nông nghiệp, trung tâm khuyến nông, người dân các tỉnh tham gia diễn đàn cũng đã đặt câu hỏi với các chuyên gia, lãnh đạo cũng như thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thiên tai. Mặt khác, đề xuất các kiến nghị để xây dựng các mô hình được thuận lợi hơn.
Riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong giai đoạn 2020-2023 thiên tai gây ra nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 65 người chết, 72 người bị thương, thiệt hại kinh tế hơn 5.787 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả thiên tai, địa phương đã triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục sau thiên tai trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp nông dân vùng bị ảnh hưởng có các giải pháp phát triển sinh kế phù hợp, bền vững và hiệu quả như: mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, gà vịt; chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối; nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi xen ghép… Các mô hình đã bước đầu có hiệu quả, góp phần hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng duyên Hải miền Trung; trong đó, có Quảng Trị với nhiều loại hình thiên tai khác nhau. Mục tiêu chung của diễn đàn nhằm cung cấp các giải pháp, mô hình sinh kế, hướng sản xuất vụ thể gắn liền với các loại hình thiên tai cho cộng đồng. Qua đó, góp phần đưa ra các giải pháp thích ứng phù hợp để người dân lựa chọn hình thức sản xuất, chung sống và phát triển bền vững theo sự biến đổi của khí hậu.
Diễn đàn sẽ là dịp đại biểu các tỉnh, thành chia sẻ bài học kinh nghiệm, các giải pháp căn cơ cho cộng đồng phòng, chống hiệu quả với các loại hình thiên tai.
Thanh Thủy