Rẫy dứa 1 ha của anh Từ Quốc Tuấn, ấp Phước Minh, xã Vĩnh Phước A sắp đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Hơn chục năm gắn bó với cây dứa, bà Lê Kim Nương, ngụ xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao khẳng định, vùng đất Vĩnh Phước A là nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp đối với cây dứa. Dứa trồng trên vùng đất này không chỉ phát triển cho năng suất cao mà chất lượng về độ ngọt, thơm không thua kém bất cứ sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Thế nhưng, cứ mỗi mùa thu hoạch nông dân trồng dứa lại đau đáu chuyện chung về giá cả và nơi tiêu thụ. Theo nhiều nông dân nơi đây, nguyên nhân chính do quy mô sản xuất đơn lẻ, manh mún, kỹ thuật canh tác tự phát, không tuân theo quy trình. Ngoài ra, còn lý do chính yếu nữa là cây dứa Vĩnh Phước A chưa có thương hiệu chứng nhận, nên thương lái “vinh” vào đó mà ép giá. Mong muốn của bà Nương cũng như nhiều người nông dân địa phương làm sao nâng giá trị cây dứa và ổn định giá cả. Trong kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây dứa, xã Vĩnh Phước A đã vận động nông dân tổ chức thành lập hợp tác xã dứa - tôm. Theo đó, những nông dân tham gia được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ sử dụng chế phẩm sinh học và các biện pháp bảo quản sản phẩm sau thu hoạch đảm bảo sản xuất trái dứa sạch đạt tiêu chuẩn. Từ định hướng đúng đắn của chính quyền, cùng sự đồng thuận của nông dân đã tạo tiền đề phát triển nâng tầm giá trị cây dứa. Tháng 11/2017, thông qua hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và chuẩn vietGAP cho sản phẩm dứa Vĩnh Phước A. Hiện nay, huyện Gò Quao có 3.700 ha diện tích trồng dứa, tập trung các xã Vĩnh Phước A, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Thắng và Thới Quản. Trong đó, xã Vĩnh Phước A có 2.500 ha, chiếm 60% diện tích toàn huyện. Ông Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Hợp tác xã dứa - tôm Phước An, xã Vĩnh Phước A cho biết, đa phần thu nhập chính của nông dân Vĩnh Phước A đều dựa vào cây dứa. Do vậy, giải pháp xây dựng chứng nhận nhãn hiệu tập thể mang ý nghĩa to lớn đối nông dân. Sau hơn một năm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nông dân địa phương dần đổi mới tư duy sản xuất; đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau quảng bá sản phẩm; sản xuất tuân theo quy trình dùng phân hữu cơ sinh học, bón phân đúng lúc, đúng cách, đúng liều giúp tiết kiệm chi phí đầu vào nhưng lại nâng giá thành đầu ra. Bước đầu thành viên trong hợp tác xã rất phấn khởi. Theo ông Phan Quốc Khánh, một trong 49 thành viên hợp tác xã Phước An cho rằng, khóm Vĩnh Phước A nếu được gắn nhãn hiệu, logo trên sản phẩm, được bảo hộ pháp lý. Từ đây, không chỉ giúp nâng cao giá trị cây dứa trên thị trường mà còn hạn chế những rủi ro về biến động giá, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương: Ông Dương Duy Duyệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho biết, việc xây dựng thương hiệu và chỗ đứng cho cây dứa Vĩnh Phước A trên thị trường không phải ngày một ngày hai mà cần thời gian. Khó ở đây là phải có hàng hóa sản phẩm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Vì thế, giấy chứng nhận nhãn hiệu tập là bước khởi đầu giúp nông dân hình thành phương thức sản xuất, định hình thương hiệu sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất tạo thành chuỗi liên kết khép kín hiệu quả. Sau đó, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra sản phẩm sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn. Chứng nhận nhãn hiệu tập thể, ngoài người trồng và kinh doanh đều được khai thác, sử dụng và hưởng lợi từ nhãn hiệu mà người tiêu dùng cũng an tâm dùng sản phẩm. Bảo hộ thương hiệu đặc sản của địa phương là bước đi rất quan trọng để giữ gìn và phát huy, nâng cao giá trị của từng sản phẩm và phù hợp xu hướng thời hội nhập.
Lê Sen