Diện mạo nông thôn Sơn La đổi thay sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Cường – TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Sử ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên chia sẻ, gia đình ông đã tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động như trồng đường hoa, vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm, vườn tược đảm bảo “xanh – sạch – đẹp” và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền. Hiện nay, ai đến xã Mường Cơi đều cảm nhận thấy bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới khi những con đường lầy lội trước đây đã được nhựa hóa, bê tông hóa thẳng tắp. Đường liên xã, liên bản, liên thôn đều được cứng hóa phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao. Theo ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Mường Cơi - xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 của huyện Phù Yên, cần phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể thì chương trình mới thật sự thành công. Cùng đó, phải xác định những công trình trọng tâm, trọng điểm; việc dễ và cần thiết đối với người dân thì tập trung thực hiện trước. Từ đó, tạo niềm tin, khí thế phấn khởi cho người dân; khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 14.174 km2, dân số trên 1,2 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2011, Sơn La chỉ có 3 xã đạt 6 tiêu chí; 180 xã dưới 5 tiêu chí; trong đó, có 18 xã chưa đạt tiêu chí nào. Số tiêu chí bình quân tại thời điểm đó đạt 1,61 tiêu chí/xã. Các tiêu chí chưa đạt đều là những nội dung khó khăn với 1 tỉnh miền núi như Sơn La, cụ thể như quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, thu nhập... Ông Đào Tài Tuệ - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La cho biết, năm 2010, hệ thống đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 8.518 km. Chất lượng các tuyến đường kém, chủ yếu là đường đất và chỉ khai thác được vào mùa khô. Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, hệ thống hạ tầng nông thôn được củng cố phát triển nhanh, nhất là hệ thống giao thông nội bản, tiểu khu, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng. Chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc hỗ trợ làm đường giao thông nông thông được nhân dân phấn khởi đón nhận. Nhận thức của người dân chuyển biến, từng bước khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước và chuyển sang chủ động, tự giác tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2019, Sơn La đã tổ chức thực hiện 8.203 tuyến/2.545 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư 2.882 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1.155 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 1.551 tỷ đồng. Trong xây dựng nông thôn mới ở Sơn La, hệ thống điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng theo các dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, dự án điện nông thôn với tổng mức đầu tư 3.006 tỷ đồng; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn đạt 93,67%. Hệ thống các công trình cơ sở vật chất văn hóa tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ. Tỉnh đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới 471 công trình nhà văn hóa, khu thể thao xã và nhà văn hóa, khu thể thao thôn; 71/188 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, tăng 71 xã so với năm 2011... Xây dựng nông thôn mới ở Sơn La đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần được nâng cao...Từ chỗ chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Sơn La đã có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân số tiêu chí đạt 12 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí; bình quân thu nhập toàn tỉnh ước đạt 40,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ước còn 26.85%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng cho biết, tỉnh phấn đấu năm 2020 có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã đạt 13,5 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 8 tiêu chí; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn.
Nguyễn Cường