"Giải cứu" vụ đầu độc rừng thông ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)

Lâm tặc ken gốc hủy hoại cây thông. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN
Lâm tặc ken gốc hủy hoại cây thông. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Ngày 7/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau thời gian tích cực thực hiện các giải pháp cứu chữa, hầu hết số cây thông tự nhiên bị đầu độc thuộc địa bàn xã Lộc Ngãi và Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) đã phục hồi, tỷ lệ cây bị chết khá thấp.

Cụ thể, tại khoảnh số 5, khoảnh số 6, Tiểu khu 614 xã Lộc Ngãi - lâm phần do Công ty cổ phần Hà Phong quản lý, lực lượng chức năng đã phục hồi được 116 cây thông ba lá trong tổng số 231 cây bị đầu độc. Riêng hiện trường ken cây đổ hóa chất thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Đam’bri (khoảnh 3, khoảnh 4, Tiểu khu 613 xã Lộc Phú), số cây được phục hồi khoảng 145 cây trong tổng số 167 cây bị đầu độc. Hiện nay, đơn vị chủ rừng, các cơ quan chuyên môn tiếp tục bám sát hiện trường để theo dõi và có biện pháp tiếp tục cứu cây thông bị đầu độc.

"Giải cứu" vụ đầu độc rừng thông ở Bảo Lâm (Lâm Đồng) ảnh 1Lâm tặc ken gốc hủy hoại cây thông. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Trước đó, ngày 20/7, TTXVN đã có thông tin phản ánh về tình trạng "đầu độc" rừng thông tự nhiên xảy ra liên tục trên địa bàn xã Lộc Ngãi và Lộc Phú bằng hình thức ken cây (khoan lỗ vào thân cây rồi đổ hoá chất cho cây chết khô).

Cụ thể, rừng thông bị thiệt hại được ghi nhận tại Tiểu khu 613 và Tiểu khu 614 với tổng diện tích bị tác động là gần 18.000m2. Qua kiểm đếm của cơ quan chức năng, tại các vị trí trên có gần 400 cây thông ba lá tự nhiên hàng chục năm tuổi đã bị đầu độc. Tổng trữ lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 363m3, thuộc đối tượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Ngay khi phát hiện vụ việc, lực lượng bảo vệ rừng đã thực hiện các biện pháp tạm thời để cứu chữa cây bị đầu độc như dùng thiết bị đục, đẽo mở rộng vị trí bị khoan lỗ rồi đổ nhớt thải vào nhằm hạn chế sự thẩm thấu của hoá chất trong thân cây. Tiếp sau đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng hướng dẫn phương pháp cứu chữa số cây thông bị đầu độc bằng phương pháp mở rộng vị trí lỗ khoan, dùng dụng cụ phá lớp nhựa cây đã bịt kín vết khoan. Sau đó thực hiện quy trình quét nhớt vào bề mặt lỗ khoan (thực hiện từ 2 – 3 lần/ngày trong khoảng nửa tháng) để rửa trôi và giảm độ độc của hoá chất đối với cây rừng.

Liên quan đến các vụ đầu độc rừng thông tự nhiên xảy ra trên địa bàn huyện Bảo Lâm, ngày 21/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cũng có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Bảo Lâm tạm đình chỉ công tác đối với 2 chủ tịch UBND xã Lộc Phú và Lộc Ngãi để kiểm tra, xem xét làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo quy định.

Nguyễn Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm