Vườn tiêu sản xuất theo quy trình GlobaGAP của gia đình ông Lâm Ngọc Nhâm (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 8/2018 đạt 20.000 tấn, với giá trị 58 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu hạt tiêu 8 tháng đạt 173.000 tấn với 576 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng nhưng giảm 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ (với 99,4 triệu USD, chiếm 19,2%), Ấn Độ (với 43,3 triệu USD, chiếm 8,4%), Pakistan (với 25,1 triệu USD, chiếm 4,8%), Đức (với 20,5 triệu USD, chiếm 4,0%) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (với 20 triệu USD, chiếm 3,9%). Khối lượng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh trong khi giá trị thì giảm. Cụ thể, trong 7 tháng, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ đạt 13.100 tấn, tăng 3.800 tấn (tương đương tăng 40,4%); Hoa Kỳ đạt 27.400 tấn, tăng 2.000 tấn (7,9%); Pakistan đạt 7.800 tấn, tăng 1.500 tấn (23%) và Đức đạt 5.200 tấn, tăng 499 tấn (10,5%). Tại thị trường trong nước, giá thu mua hạt tiêu trong tháng 8/2018 tiếp tục giảm sâu, chạm mức giá thành sản xuất. Giá thu mua hạt tiêu đen cuối tháng 8 dao động ở mức từ 47.000 - 48.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng và giảm từ 4.000 – 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước. Tại mức giá này, có thể nhiều hộ nông dân đã không còn lãi, thậm chí là bị lỗ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, nhu cầu từ các nước nhập khẩu hạt tiêu còn yếu trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục được bổ sung khi mà Indonesia, Malaysia và Brazil đang trong vụ thu hoạch. Theo đó, giá hạt tiêu Việt Nam cũng như giá hạt tiêu thế giới được dự báo sẽ khó phục hồi trong các tháng cuối năm 2018.
Bích Hồng