Đoạn đường nơi xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vào khuya ngày 3/4 và rạng sáng 4/5 khiến 6 người tử vong ở xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Ảnh: Dư Toán - TTXVN |
Ông Lê Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa hiệu quả, chưa tác động làm chuyển biến nhận thức và hành động của đối tượng cần tuyên truyền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu do người tham gia giao thông đi sai làn đường, phần đường quy định; không chú ý quan sát; vi phạm tốc độ…
Bên cạnh đó, phong tục, tập quán, thói quen uống rượu, bia của đồng bào dân tộc thiểu số trong các dịp ma chay, hiếu, hỉ, lễ, tết, rồi sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng. Đặc biệt, một số thanh niên vì đua đòi đã ép buộc cha mẹ bán tài sản để mua xe mô tô phân khối lớn, thường xuyên tụ tập, điều khiển phương tiện với tốc độ cao trong khi chưa có giấy phép lái xe đã gây ra một số vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh hiện có một số lượng lớn xe mô tô, xe gắn máy chất lượng thấp, thậm chí nhiều xe tự ý sửa chữa, độ chế không đảm bảo an toàn kỹ thuật vẫn lưu thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Dù vậy, việc xử lý các loại phương tiện này còn nhiều khó khăn, chưa hiệu quả, chưa triệt để vì đối với nhiều gia đình, đây là phương tiện di chuyển, vận tải duy nhất.
Qua đó, ông Lê Văn Hạnh cho rằng, để giảm thiểu tai nạn giao thông do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây ra, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các bộ, ngành cần nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tổng thể như xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tập trung hướng về cơ sở, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp tập hợp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với thanh, thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở cấp cơ sở. Đặc biệt là cần có cơ chế, kinh phí hỗ trợ thu hồi, thay thế mô tô, xe gắn máy kém chất lượng ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian gần đây, địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số. Các vụ việc điển hình như hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào đêm 3/5, rạng sáng 4/5 tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ làm 6 người chết, một người bị thương; vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào sáng 18/4 trên Quốc lộ 25, đoạn qua xã HBông, huyện Chư Sê khiến 3 người tử vong.
Dư Toán