Cả giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đều giảm, nhưng giảm mạnh nhất là giá gạo. Giá gạo xuất khẩu đi ngang trước thông tin dự báo Philippines có thể giảm nhập khẩu trong năm nay do nguồn cung trong nước tăng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.750 đồng/kg, giá bình quân là 7.593 đồng/kg, giảm 57 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho giảm trung bình 50 đồng/kg, ở mức 8.738 đồng/kg; giá cao nhất là 9.375 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 13.700 đồng/kg, giá bình quân 13.286 đồng/kg, giảm 493 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.500 đồng/kg, giá bình quân 13.042 đồng/kg, giảm 533 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.300 đồng/kg, giá bình quân 12.808 đồng/kg, giảm 517 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 228 đồng/kg, giá trung bình là 13.538 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 giảm 325 đồng/kg, trung bình là 11.104 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa có sự tăng giảm nhẹ tùy loại, song chủ yếu duy trì đi ngang. Điển hình như: Đài thơm 8 từ 7.700 – 7.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; IR 50404 từ 7.300 – 7.500 đồng/kg, cũng giảm 100 đồng/kg; OM 5451 từ 7.500 – 7.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OM 18 từ 7.700 – 7.900 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; riêng lúa Nhật ổn định từ 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.800 – 7.900 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.500 - 16.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 tỉnh Đồng Tháp xuống giống 189.136/189.000 ha đạt 100,07% so với kế hoạch. Diện tích thu hoạch hơn 110 ngàn ha, năng suất bình quân hơn 7 tấn/ha, cao hơn 100-200 kg/ha so với đầu năm.
Hiện nay, tiêu thụ lúa chất lượng cao vụ Đông Xuân tại Đồng Tháp bán tại ruộng với giá 8.100 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; giá lúa thường IR 50404 bán tại ruộng giá 7.400-7.500 đồng/kg, cao hơn 900 - 1.000 đồng/kg. Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 lãi từ 30-40 triệu đồng/ha.
Hiện diện tích lúa Đông Xuân đang thu hoạch cuối vụ; dự kiến toàn tỉnh sẽ thu hoạch dứt điểm vào trung tuần tháng 4/2024.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức từ 590 - 595 USD/tấn, không thay đổi so với một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các nhà xuất khẩu đã giảm mua lúa gạo từ nông dân sau khi Mỹ dự báo hồi đầu tháng này rằng Philippines có thể giảm nhập khẩu trong năm nay do nguồn cung trong nước tăng. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam.
Trong khi đó, giá gạo của Ấn Độ - nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - đã tăng trong tuần qua trong bối cảnh các nhà giao dịch tính thuế cao hơn cho các lô hàng gạo, trong khi nhu cầu vẫn ảm đạm tại Thái Lan.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 500 - 558 USD/tấn, tăng so với mức từ 543 - 550 USD/tấn trong tuần trước. Đầu tháng 3/2024, giá loại gạo này đã đạt mức cao kỷ lục là 560 USD/tấn.
Một đại lý tại New Delhi cho biết họ phải tăng giá bán do Chính phủ đang xem xét tổng giá trị giao dịch thay vì giá FOB để tính thuế xuất khẩu 20%. Điều này đã đẩy giá xuất khẩu lên cao. New Delhi đã áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ xuất khẩu trong tháng 8/2023 để kiểm soát giá gạo trong nước. Giá FOB (Free on board) chính là giá tại cửa khẩu bên nước của người bán. Giá FOB đã bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu. Điểm đáng chú ý là giá FOB không bao gồm chi phí bỏ ra để vận chuyển hàng bằng đường biển, cũng không bao gồm chi phí bảo hiểm đường biển.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ một số nhà xuất khẩu gạo cho biết các nhà xuất khẩu Ấn Độ đã nhận được thông báo từ cơ quan hải quan yêu cầu thanh toán chênh lệch thuế đối với gạo xuất khẩu trong 18 tháng qua. Yêu cầu bất ngờ này có thể làm ảnh hưởng đến các chuyến hàng gạo từ Ấn Độ.
Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 585-590 USD/tấn, giảm so với mức 598 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho hay giá gạo giảm do nhu cầu và đồng bath suy yếu, tuy nhiên nhu cầu từ các khách hàng Indonesia đã hỗ trợ giá.
Trong khi đó, giá gạo Bangladesh vẫn tăng mặc dù năng suất và dự trữ tốt. Các quan chức lưu ý rằng Bangladesh có thể cho phép các thương nhân nhập khẩu tới 200.000 tấn gạo trong nỗ lực hạ nhiệt giá ngũ cốc thiết yếu trong nước.
Thị trường cà phê thế giới tuần này kém phần sôi động do kỳ nghỉ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) và những nguyên tắc cơ bản của thị trường vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể ngoài việc các kho dự trữ đang tiếp tục được bổ sung.
Thị trường nông sản Mỹ cũng đóng cửa nghỉ lễ.
Bích Hồng - Minh Hằng