Sáng 2/12, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng) đã được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022, quyết định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền trên địa bàn.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên đề nghị, cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện 4 chương trình trọng tâm của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu, các địa phương thực hiện hiệu quả các đề án về cơ cấu ngành, tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; quản lý thu ngân sách, xác định nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời có giải pháp hiệu quả...
Hội nghị đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2023 như: tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình trọng tâm về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thống nhất đề ra một số chỉ tiêu năm 2023 như: dự kiến xây dựng số thu nội địa là 5.660 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người tăng lên 60,1 triệu đồng; phấn đấu đạt 8,5 bác sỹ/vạn dân; phát triển hơn 180 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế...
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Gia Lai, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) tỉnh đạt 9,27%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 60,45 triệu đồng. Là tỉnh nông nghiệp, hàng năm, địa phương luôn chú trọng việc tăng diện tích đất sản xuất, phát huy thế mạnh nông nghiệp địa phương như: phát triển mạnh ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn vào quy trình chăn nuôi. Là một lĩnh vực quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống cháy rừng luôn được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Ước tính đến cuối năm 2022, tỉnh thực hiện xong việc trồng 8.000 ha, khai thác 157.000 ha gỗ rừng trồng; chăm sóc hơn 26.500 ha rừng (tất cả đều đạt 100% kế hoạch đề ra).
Đến nay, Gia Lai có 3 đơn vị cấp huyện, 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 104 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, địa phương có 14 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng; 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 707 triệu USD (chủ yếu là các lĩnh vực kinh doanh, chế biến nông sản và cổ phần, góp vốn với các dự án điện gió).
Hồng Điệp