Sau 6 năm triển khai, việc thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh Gia Lai về việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương. Công tác này đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức.
Khó thu hồi đất rừng và giao đất, giao rừng
Việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trả lại cho rừng hoặc chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp tại Gia Lai còn khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân.
Một trong những nguyên nhân chính do diện tích đất rừng bị lấn chiếm quá lớn và đã tồn tại từ lâu. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến nay, Ban Chỉ đạo các cấp cùng đơn vị chủ rừng đã vận động được 19.450 hộ dân kê khai 37.187 ha nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. Trong số đó, các địa phương mới triển khai trồng được hơn 11.000 ha rừng, chiếm khoảng 30% tổng diện tích đất người dân đang sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch đất lâm nghiệp. Ngoài ra, nhận thức của người dân còn hạn chế, dẫn đến chống đối lại việc thu hồi đất ở một số địa phương. Mức hỗ trợ trồng rừng hiện nay quá thấp không khuyến khích người dân đăng ký tham gia trồng rừng. Việc chưa có nhà máy chế biến hoặc điểm thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng nên người dân còn e ngại, không mặn mà.
Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, nhiều năm nay, huyện đã chủ động kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ băm dăm nhưng do khó khăn về nguồn lực giải phóng mặt bằng cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu theo yêu cầu của doanh nghiệp nên rất khó thu hút. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn mong những khó khăn này sớm được tỉnh hỗ trợ, cùng tháo gỡ để địa phương và doanh nghiệp triển khai dự án, đảm bảo đầu ra cho nguyên liệu.
Tại huyện Chư Prông, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Ngọc Thông thông tin: Hiện nay, mức hỗ trợ trồng rừng thấp, giảm từ 7 triệu đồng xuống còn 2,5 triệu đồng/ha/chu kỳ, trong khi các hộ tham gia trồng rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nên chưa khuyến khích được người dân.
Địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 7 địa phương gồm: Krông Pa, Kông Chro, Đức Cơ, Ia Pa, Chư Prông, Đăk Đoa, Mang Yang triển khai kế hoạch giao rừng cho 9 cộng đồng (1.393 hộ) và 211 hộ, với tổng diện tích trên 5.200 ha. Việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hầu hết các địa phương còn lúng túng, chưa triển khai hoặc có triển khai nhưng rất e dè do sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể cho công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho rằng, việc giao đất rừng cho người dân phù hợp với Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nhưng lại không đúng theo quy định của Luật Đất đai khi giao đất. Chưa kể, việc thu hồi những diện tích đất rừng bị lấn chiếm tại địa phương khó thực hiện, chỉ vận động người dân trồng cây phù hợp trên diện tích đất này.
Đối với huyện Mang Yang, Chủ tịch UBND huyện Lê Trọng cho biết, qua rà soát, huyện có khoảng 21.000 ha đất lâm nghiệp giao cho UBND các xã quản lý sau khi đã đưa ra khỏi quy hoạch đất 3 loại rừng. Tuy nhiên, nguồn gốc đất này khá phức tạp, vì vậy địa phương chưa thể giao đất, giao rừng cho người dân sử dụng. Huyện cũng không có kinh phí phục vụ công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc
Từ thực tế tại các địa phương, ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai nhận định, việc triển khai nhiệm vụ giao đất, giao rừng còn mới nên còn nhiều vướng mắc. Việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được hướng dẫn cụ thể, thủ tục hành chính còn phức tạp nên tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch. Sở sẽ phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương.
Ông Lương Thanh Bình cho rằng, các địa phương chưa nắm rõ và có cách hiểu khác nhau về từ ngữ trong Luật Đất đai. UBND tỉnh đã có công văn xử lý khó khăn, vướng mắc tại Công văn số 1173/UBND-NL ngày 9/6/2022 nhưng các địa phương vẫn chưa thực hiện.
Chia sẻ về vấn đề vướng mắc trong thu hồi đất rừng tại các địa phương, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng. Sở phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao rừng của các địa phương; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó là tiếp tục hướng dẫn công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, xem đây là hướng đi đúng nhằm tạo sinh kế lâu dài, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, góp phần tăng độ che phủ rừng.
Cũng theo ông Lưu Trung Nghĩa, để giải quyết tình trạng lấn chiếm đất rừng và phát triển rừng bền vững cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, ngành liên quan. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tuân thủ pháp luật về sử dụng đất; xử lý nghiêm hành vi vi phạm; tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, giống cây trồng và thị trường để phát triển kinh tế rừng bền vững.
Hoài Nam - Xuân Huy