Những tháng đầu năm 2022, địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều vụ xảy ra ở khu vực nông thôn, liên quan đến thanh, thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng rượu, bia… Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng tỉnh đã và đang tăng cường nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là ở khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Kông Chro là địa phương vừa xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn giao thông chỉ trong một ngày (9/3) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người điều khiển xe mô tô sau khi đã uống rượu, bia khiến 6 người chết, 1 người bị thương. Trước tình hình này, lực lượng chức năng huyện đã tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, nhiều chuyên đề về xử lý nghiêm các trường hợp thanh, thiếu niên sử dụng phương tiện xe máy độ chế, thay đổi kết cấu xe, chạy tốc độ cao được triển khai quyết liệt.
Đại úy Hồ Hữu Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Kông Chro cho biết: Để hạn chế tai nạn giao thông, Đội đã phối hợp với các xã tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên nhằm nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, người dân, người vi phạm tại huyện Kông Chro đã dần nắm bắt, nhận thức được Luật An toàn giao thông đường bộ. Đối với các trường hợp thanh, thiếu niên cá biệt, lực lượng chức năng đã thực thi các biện pháp mạnh như: yêu cầu thay đổi lại kết cấu xe về nguyên trạng, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật; từ đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân, răn đe các trường hợp vi phạm.
Ông Đinh Văn Nhót, tổ dân phố Plei Hlektu, thị trấn Kông Chro chia sẻ, nhờ hoạt động tuyên truyền của các cán bộ Công an, ông đã nhận thức được các kiến thức cơ bản khi tham gia giao thông như: phải đội mũ bảo hiểm, xe phải có gương, đèn; khi lưu thông trên đường phải đi đúng tốc độ, đi đúng phần đường, đặc biệt là không uống rượu khi tham gia giao thông. Qua đây, ông sẽ tuyên truyền cho gia đình, con cái và người dân trong làng nhận thức đúng về Luật An toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai đã siết chặt công tác kiểm tra nồng độ cồn vào giờ cao điểm; xử lý quyết liệt "quái xế" sử dụng phương tiện độ chế tham gia giao thông.
Theo Thiếu tá Phùng Mạnh Thường, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Phú Thiện, Đội đã triển khai xây dựng các chuyên đề về nồng độ cồn đối với độ tuổi thanh, thiếu niên; đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an xã, phường, các tổ dân phố để nắm bắt thông tin về các đối tượng thanh, thiếu niên có biểu hiện tụ tập, đua xe và có hình thức ngăn chặn kịp thời.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Gia Lai, trong ba tháng đầu năm 2022, tình hình tai nạn giao thông tại tỉnh diễn ra phức tạp khi tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Toàn tỉnh đã xảy ra 94 vụ, làm chết 71 người và bị thương 78 người, thiệt hại tài sản ước tính 1,44 tỷ đồng (tăng 9 vụ, tăng 6 người chết và tăng 20 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021). Để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, lực lượng chức năng tỉnh đã và đang triển khai nhiều chuyên đề tập trung kiềm chế sự gia tăng của tại nạn giao thông. Trong đó, các chuyên đề về nồng độ cồn, quá khổ, quá tải…được lực lượng chức năng triển khai quyết liệt.
Thiếu tá Trần Nam Phương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ tập trung triển khai các chuyên đề về xử lý quá khổ, quá tải, cơi nới kích thước thùng xe, nồng độ cồn; thường xuyên phối hợp với các lực lượng tổ chức các đợt tuyên truyền tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên; triển khai thực hiện các đợt cao điểm trấn áp, xử lý các đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm an toàn giao thông.
Quang Thái