Gia Lai: Nhiều ngành học vắng sinh viên

Gia Lai: Nhiều ngành học vắng sinh viên
 

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số trường, kết thúc các đợt tuyển sinh năm 2015, nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn vì một số ngành học không thu hút được sinh viên đăng ký. Theo đó, nhiều trường không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu đề ra. Tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, năm học 2015-2016 tuyển sinh 420 chỉ tiêu chia đều cho 7 ngành gồm: Thú y, Quản lý đất đai, Tài nguyên môi trường, Lâm nghiệp, Công nghệ thực phẩm, Kế toán, Nông học. Sau 2 đợt tuyển sinh, chỉ có ngành Thú y thu hút được nhiều hồ sơ đăng ký, sinh viên nhập học đủ. Các ngành còn lại rơi vào tình trạng thiếu sinh viên vì lượng hồ sơ ảo rất lớn. Một số ngành như: Lâm nghiệp, Công nghệ thực phẩm, Quản lý đất đai, Tài nguyên môi trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đề ra.

Trao đổi về tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Thu-Trưởng ban Quản lý Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai cho biết: “Năm nay, trường chúng tôi cũng đã giảm chỉ tiêu tại các phân hiệu so với mọi năm nhưng công tác tuyển sinh vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Một phần là do vùng tuyển sinh chỉ khu biệt tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung nên nguồn tuyển hạn hẹp. Phần nữa là do cơ hội việc làm của một số ngành đào tạo trong những năm gần đây không nhiều nên chưa thu hút được sinh viên theo học. Năm nay, ngành Thú y tiếp nhận nhiều hồ sơ đăng ký vì cơ hội việc làm của ngành này ngay sau khi ra trường đang rất cao”.

Như vậy, có thể thấy xu hướng chọn ngành học của sinh viên ngày nay không chỉ đơn thuần là yêu thích và đam mê mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Thực tế tình hình tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai năm nay cũng đã làm rõ hơn xu hướng chọn ngành nghề của sinh viên. Năm học 2015-2016, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tuyển 900 chỉ tiêu ở hệ cao đẳng chính quy (sư phạm 660, ngoài sư phạm 240); hệ Trung cấp chuyên nghiệp chính quy là 150 chỉ tiêu. Kết thúc 3 đợt tuyển sinh, nhà trường đã tuyển được 804 học sinh, sinh viên hệ chính quy với 15 ngành cao đẳng và một ngành hệ trung cấp mầm non (đạt 76,6% so với chỉ tiêu đăng ký).


Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số ngành trong và ngoài sư phạm như: Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ thông tin hệ cao đẳng vắng bóng hồ sơ đăng ký nên không thể khai giảng khóa mới. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy khi những khóa học trước đó không có khóa học gối đầu để giải quyết cho những sinh viên buộc phải học lại hoặc không đủ điều kiện để tốt nghiệp. Năm nay, ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thu hút nhiều sinh viên theo học nhất vì cơ hội việc làm cho hai ngành học này được đánh giá là đang khởi sắc.

Ảm đạm hơn là Trường Đại học Đông Á (cơ sở Gia Lai) khi năm nay chỉ mở được 3 lớp liên thông (hệ vừa học vừa làm) ở các ngành: Điều dưỡng, Xây dựng và Kế toán. Trong khi cơ chế tuyển sinh của trường này khá thoáng vì tuyển sinh theo điểm của tổ hợp các môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia với mức điểm sàn là 15 ở bậc Đại học, 12 ở bậc Cao đẳng, nhà trường còn tổ chức tuyển sinh theo đề án riêng đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép. Cụ thể, Trường Đại học Đông Á xét tuyển theo điểm trung bình chung học bạ lớp 12. Đối với bậc Đại học, điểm xét tuyển là 6.0; bậc cao đẳng là 5.5 áp dụng cho các ngành hiện được đào tạo tại cơ sở này gồm: Công nghệ thông tin, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quản trị văn phòng và Điều dưỡng (liên thông). Đây là mùa thứ 3, Trường Đại học Đông Á (cơ sở Gia Lai) tổ chức tuyển sinh và nhận hồ sơ của thí sinh có hộ khẩu trên toàn quốc nhưng số hồ sơ hệ chính quy được tiếp nhận tại đây cũng không đủ số lượng để mở lớp nên được chuyển toàn bộ về cơ sở chính tại Đà Nẵng. Điều này đã khiến cho một số thí sinh muốn theo học tại Gia Lai phải rút hồ sơ để nộp vào những cơ sở giáo dục khác trên địa bàn tỉnh.

Báo Gia Lai điện tử

Có thể bạn quan tâm