Do ảnh hưởng của bão số 4, những ngày qua, địa bàn Tây Nguyên có mưa to đến rất to gây ngập lụt cục bộ tại một số địa phương. Tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), mưa lũ đã cuốn trôi nhiều ha cây trồng của người dân. Đặc biệt, công trình thủy điện Ia Glae 2 đang được xây dựng trên suối Ia Glae, thuộc địa bàn hai xã Ia Ga và Ia Vê (huyện Chư Prông) đã bị vỡ đập chính. Đây là sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về môi trường cũng như hoa màu của người dân.
Từ đêm 8/10 đến rạng sáng 9/10, mưa lớn khiến lưu lượng nước đổ về đột ngột, tốc độ dòng chảy cao đã làm vỡ gần như hoàn toàn thân đập dài gần 100m, cao 4m của Thủy điện Ia Glae 2. Đây là công trình thủy điện cấp III, có công suất thiết kế 12MW, vốn đầu tư trên 423 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên diện tích 83,7 ha.
Tại khu vực chân đập thủy điện, nơi xảy ra sự cố, nước lũ đã san phẳng phần thân đập và cuốn trôi hàng chục ha hoa màu, cây công nghiệp, cây lương thực của người dân hai bên bờ suối. Các loại cây trồng bị thiệt hại chủ yếu là cà phê, tiêu, điều, chuối, dừa… Nước lũ làm vỡ một phần đập tràn bậc 2 của dự án này.
Ông Đặng văn Dậu (trú tại thôn Tân Thủy, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) cho biết, mọi năm chưa có thủy điện này, nước lũ lên bình thường, nhưng từ khi đập thủy điện được xây dựng, nước lũ tràn về lưu lượng lớn hơn đã khiến thân đập vỡ và cuốn trôi hoàn toàn gần 2,5 ha hoa màu, cây công nghiệp dài ngày của gia đình ông.
Cùng tâm trạng bức xúc, ông Đào Văn Hà cùng trú tại xã Ia Ga cho hay: Nước lũ từ thượng nguồn tràn về gặp đập thủy điện Ia Glae 2 được tích lại tạo áp lực lớn làm vỡ thân đập, rồi "quét" hết toàn bộ hoa màu, cây cối. Riêng gia đình ông, toàn bộ diện tích cây dổi, hoa hòe, sầu riêng đang cho thu hoạch đều mất trắng. Nhìn những diện tích cây cối bao năm chăm sóc giờ mất hết, ông vừa buồn vừa ức.
Ngoài ra, sự cố vỡ đập thủy điện này còn gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân. Qua thống kê sơ bộ của UBND xã Ia Ga, có 19 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, với diện tích lên đến hàng chục ha, trong đó hầu hết là cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế.
Nhiều người dân cho biết, đây là vụ việc nghiêm trọng, mặc dù không có thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân. Tuy nhiên, khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Chư Prông đã không kịp thời báo cáo với cơ quan cấp trên.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông Nguyễn Văn Luyến lại cho rằng: Nguyên nhân của sự cố không phải là do vỡ đập, việc vỡ bức tường chắn chỉ góp phần làm tăng mức độ thiệt hại. Chính quyền địa phương đang phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Khải Hoàng kiểm tra và làm kê khai những hộ bị ảnh hưởng.
Trước mỗi mùa mưa bão, UBND tỉnh Gia Lai thường xuyên có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, giám sát và đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các chủ công trình, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.
Thủy điện Ia Glae 2 được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Thủy điện Khải Hoàng (có trụ sở tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) vào tháng 2/2020. Dự án này bước vào giai đoạn xây dựng từ Quý II/2020 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng Quý IV/2021. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa hoàn thành.
Hoài Nam - Xuân Huy