Anh Ngô Văn Tiên, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) thành công với mô hình xen canh hồ tiêu, mít thái, cau, bời lời, chanh dây. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Để có hướng đi phù hợp, tỉnh Gia Lai khuyến cáo người nông dân trong việc trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên một diện tích đất để hạn chế rủi ro, tạo môi trường sinh thái đa dạng cho cây trồng phát triển ổn định. Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, trước tình hình người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng các loại cây công nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế hạn chế, đơn vị cũng đã đi thực tế nhiều địa phương và khuyến cáo đến người dân nên trồng xen canh, đa canh một số loại cây trồng phù hợp nhằm tiết kiệm quỹ đất, hạn chế rủi ro và tạo môi trường sống tự nhiên cho cây trồng. Thực tế, sau khi diện tích hồ tiêu và cà phê chết do già cỗi, dịch bệnh, úng nước thì nông dân một số huyện như Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Mang Yang… đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng xen canh, đa canh công nghiệp dài ngày, ngắn ngày trên cùng một diện tích. Điển hình như vườn cà phê trồng xen canh của gia đình ông Nguyễn Văn Lập, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang. Năm 2006, ông Lập có 5ha đất, sau khi áp dụng mô hình trồng xen canh sầu riêng, hồ tiêu, cà phê đã cho kết quả khả quan. Trước đó, do cà phê có giá cao nên bà con chưa nhận thấy hiệu quả của mô hình xen canh, nhưng vài năm trở lại dây, khi giá cà phê xuống thấp kèm dịch bệnh thì mô hình xen canh này trở thành điểm tham quan, học hỏi của nhiều địa phương. Vườn xen canh của ông Nguyễn Văn Lập năm 2018 mới thu hoạch 34 tấn sầu riêng, 8 tấn hồ tiêu, 4 tấn cà phê với doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng. Sắp tới, đây là một trong những mô hình nông nghiệp đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai triển khai cho nông dân nhiều nơi đến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Anh Ngô Văn Tiên, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) thành công với mô hình xen canh hồ tiêu, mít thái, cau, bời lời, chanh dây. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Thấy được hiệu quả việc trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích đất khi thực địa từ nhiều tỉnh thành, anh Ngô Văn Tiên, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa cũng phát triển 1 ha vườn hồ tiêu của gia đình theo hướng xen canh, bón phân hữu cơ. Mô hình phát triển cây trồng an toàn, bền vững, lấy ngắn nuôi dài này đang được người dân trong vùng học hỏi, nhân rộng. Vì vậy, năm nay hàng chục hộ dân vùng lân cận đã triển khai theo mô hình xen canh này. Anh Ngô Văn Tiên cho biết, vườn tiêu gia đình anh mới trồng đầu năm 2018, phát triển rất ổn định. Sau 3 năm tiêu mới cho thu hoạch nên khi bắt đầu gieo giống tiêu, anh cũng trồng chanh dây quanh trụ. Chanh dây cho trái sau 8 tháng trồng, tính đến thời điểm này anh Tiên đã thu hoạch gần 150 triệu đồng từ chanh dây và vẫn đang trong thời kỳ thu hái, xuất bán. Bên cạnh đó, anh Tiên còn trồng xen cây cau, bời lời và mít ngắn ngày. Mít đã cho trái bói, bời lời và cau phát triển nhanh. Theo anh Ngô Văn Tiên, cây cau phát triển sẽ là tầng cao nhất có bóng mát lấy trái, sau đó đến cây bời lời sẽ thu hoạch trong vòng 3 năm trồng. Tầng sinh sống thứ 3 là cây tiêu, cây trồng chủ lực cần bóng mát, đủ độ ẩm. Cây mít là tầng thứ 4 có tán lấy độ ẩm cho đất sau cùng là chanh dây thu hoạch theo từng năm. Cũng theo anh Tiên, mô hình trồng xen canh vừa tiết kiệm được quỹ đất lại tận dụng được nguồn nước tưới, phân bón. Chỉ cần tưới nước, bón phân cho cây trồng chủ lực thì các loại cây trồng khác tự nhiên được chăm sóc. Dẫu năng suất của cây chủ lực khi trồng xen canh có giảm hơn trồng riêng lẻ nhưng không đáng kể. Mô hình xen canh lấy ngắn nuôi dài, tận dụng quỹ đất trong thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây hồ tiêu rất khả quan, cho giá trị kinh tế luân phiên, không ngắt quãng. Ngoài ra, trước tình hình thiếu hụt nhân công chăm sóc vườn thì đây cũng là một cách tận dụng nguồn nhân lực trên cùng một diện tích. Ông Trịnh Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Gia Lai, cho hay, mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, hồ tiêu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng riêng một loại cây mà còn có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió cho vườn cây chủ lực, hạn chế bốc hơi hước, giữ ẩm cho cây. Điều này góp phần vào việc phát triển sản xuất cà phê bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên để mô hình thực sự phát triển bền vững, người dân cần xác định vùng trồng xen canh tập trung có hiệu quả, hình thành vùng trồng xen trọng điểm trên cơ sở cà phê, hồ tiêu là cây trồng chính, đảm bảo yêu cầu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất. Trong đó, người dân cần chú trọng đến mật độ trồng, nguồn giống, biện pháp kỹ thuật tưới nước, bón phân hợp lý cho cây trồng chính và cây trồng xen; tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác trồng xen. Cà phê và hồ tiêu là hai loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Gia Lai, để có định hướng tham khảo cho nông dân về việc trồng xen canh cho 2 loại cây trồng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT, ngày 24/9/2018 về "Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây sầu riêng và cây bơ trong vườn cà phê vối”. Theo quy trình này, đối với cây bơ và cây sầu riêng chỉ cho phép trồng với mật độ không quá 69 cây/ha (khoảng cách 12m x 12m ) cùng với 1.041 cây cà phê/ha (khoảng cách 3m x 3m); hoặc mật độ 55 cây/ha (khoảng cách 12 m x 15 m) và 1.055 cây cà phê/ha (khoảng cách 3m x 3m). Đối với trồng xen cây hồ tiêu trong vườn cà phê vối, tùy vào điều kiện thực tế đất đai có thể chọn một trong ba mật độ khoảng cách khác nhau: Với mật độ cà phê 1.110 cây/ha (3m x 3m) có thể trồng xen 555 cây hồ tiêu/ha (khoảng cách 3m x 6m) hay xen 370 cây hồ tiêu/ha (khoảng cách 3m x 9m) hoặc xen 278 cây hồ tiêu/ha (khoảng cách 6m x 6m).
Hồng Điệp