Lợi dụng việc cải tạo ruộng cho người dân, đối tượng đã thực hiện hành vi khai thác đất, đá chẻ công khai giữa “thanh thiên bạch nhật”. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, hành vi khai thác đất, đá chẻ diễn ra rầm rộ nhưng chính quyền và các lực lượng chức năng không hề hay biết.
Băm nát ruộng để khai thác đá
Từ tin báo của người dân, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có mặt tại "công trường" khai thác đất, đá chẻ tại khu vực ruộng thuộc địa phận giáp ranh giữa thị trấn Phú Hòa và xã Hòa Phú (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Thời điểm có mặt, hơn 10 người dân chia thành từng tốp nhỏ cùng phương tiện máy đào đang tiến hành khoan, đục đá vang cả một vùng.
Không khó để phóng viên nhận biết khu vực đang diễn ra nạn khai thác đá chẻ ở đây. Theo chỉ dẫn sơ qua của người dân, chúng tôi theo con đường nhựa nhỏ từ Quốc lộ 14 dẫn vào khu vực bãi rác của huyện Chư Păh (thôn 2, xã Hòa Phú) khoảng chừng 1km. Vừa qua khỏi vườn cao su, âm thành của máy khoan, đục cùng tiếng mày cày (dùng để tời đá) vang cả cánh rừng. Men theo cánh rừng cao su, con đường đất được san gạt bằng phẳng dẫn thẳng xuống khu vực ruộng của người dân - nơi đang diễn ra tình trạng khai thác đá chẻ, đất.
Tại đây, giữa từng mảnh ruộng đã được thu hoạch, từng tốp người chia thành từng nhóm đang tiến hành khai thác đá chẻ. Để thuận tiện cho việc khai thác đá, đất, khu vực này đã được san ủi đường rộng rãi, kéo đường điện bài bản. Ghi nhận của phóng viên, trên diện tích khoảng gần 1 hecta, có 4- 5 khu vực đang được các nhóm người thực hiện khai thác đá. Đá được khoan, đục rồi chẻ thành từng viên vuông vức tập kết thành từng đống riêng biệt. Nhiều bãi tập kết, đá chẻ thành phẩm được đánh số khác nhau.
Theo một người tên Tuấn cho biết, khu vực này là ruộng của người dân. Trên ruộng có nhiều tảng đá lớn, người dân thuê ông cải tạo. “Mình chỉ tận dụng lại số đá khai thác cho người dân làm ruộng thôi chứ có làm gì lớn đâu”- ông Tuấn giải thích.
Tại khu vực này, không chỉ đang diễn ra tình trạng khai thác đá chẻ mà còn có dấu vết của khai thác đất nền. Gần nửa quả đồi giáp với ruộng đã bị san phẳng, đào bới nham nhở. “Người dân thuê múc đất này xuống để hai thửa ruộng cho liền nhau chứ không phải khai thác đất đâu”- ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi khối lượng đất đã khai thác vận chuyển đi đâu, ông Tuấn thừa nhận: Một phần làm đường quanh khu vực ruộng cho người dân đi lại. Phần khác, tôi đổ nền cho người dân trong khu vực có nhu cầu.
Chính quyền làm ngơ, đá tặc lồng hành
Thực địa tại hiện trường, tình trạng khai thác đất, đá chẻ đã diễn ra trong thời gian khá dài, công khai. Thế nhưng, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng lại không hề hay biết. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng có sự bao che, “bật đèn xanh” cho các cá nhân được phép khai thác đá, đất ở khu vực này.
Để tìm hiểu rõ vụ việc, chúng tôi đã báo cho lực lượng chức năng của huyện. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, toàn bộ nhóm công nhân đang thực hiện khai thác đá tại khu vực này lập tức dừng công việc khai thác đá và di tản khỏi khu vực trên. Một lúc sau, ông Nguyễn Thanh Hào, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Phú, huyện Chư Păh có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, ông Hào chỉ tập trung gọi điện thoại thông báo sự có mặt của phóng viên tại khu vực xảy ra khai thác đá, đất.
Việc dư luận đặt nghi ngờ chính quyền ngó lơ khiến “đá tặc” lộng hành là có cơ sở. Bởi khu vực diễn ra tình trạng khai thác đá chẻ, đất rất gần với đường chính. Con đường dân vào khu vực khai thác đất, đá chẻ rộng và thông thoáng. Hơn nữa, việc khai thác đá chẻ theo ông Tuấn cho biết rất khó khăn, phải dùng phương tiện cơ giới mới khai thác được. Vì thế, hằng ngày ngoài việc khoan, đục các tảng đá lớn bằng máy khoan, máy cày để tời đá, máy xúc cũng được huy động vào khu vực trên để tiến hành khai thác. Thế nhưng, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng vẫn không hề hay biết.
Lý giải về vấn đề này, một lãnh đạo của huyện Chư Păh cho biết: Khu vực xảy ra tình trạng khai thác đất, đá chẻ thuộc địa phận của thị trấn Phú Hòa. Khu vực trên đã bị lực lượng chức năng của thị trấn xử phạt nhiều lần.
Quang Thái