Xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) là vùng căn cứ cách mạng vô cùng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, nhưng hơn 45 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước qua các chương trình, chính sách, cùng với sự tự lực của chính quyền và nhân dân, Đăk Tơ Pang đang từng bước thay da đổi thịt.
Chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và nâng cao. Bộ mặt nông thôn mới đang dần bừng sáng giữa núi rừng Kông Chro.
Xã Đăk Tơ Pang cách trung tâm huyện Kông Chro hơn 13 km. Đến tháng 9/2020, xã có 3 thôn, làng với 357 hộ, 1.575 khẩu, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 95%. Trong những năm gần đây, chính quyền và nhân dân Đăk Tơ Pang đã nỗ lực phát huy truyền thống anh hùng, cùng chung sức, chung lòng tạo dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.
Dù chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, nhưng hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, dân làng ở Đăk Tơ Pang đã đồng lòng hiến đất, góp công làm đường, phát triển cơ sở hạ tầng. Chính quyền xã đã năng động trong lồng ghép, triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án giảm nghèo do Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư. Đặc biệt, xã đã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để giúp người dân phát triển kinh tế…
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt hơn 1.140 ha, đàn gia súc gần 2.040 con; hệ thống trường lớp, trạm y tế, cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư; 100% người dân được sử dụng điện lưới, tỷ lệ xét hoàn thành chương trình Tiểu học, tốt nghiệp Trung học cơ sở hàng năm đạt 100%, quốc phòng-an ninh được giữ vững… Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/người/năm, 98% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Ông Khép - làng Đăk HWay, xã Đăk Tơ Pang chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi đã đổi thay rất nhiều. Cuộc sống no đủ hơn, không còn cảnh lo đói mùa giáp hạt như trước nữa. Bây giờ, có người ốm đau, bệnh tật sẽ được thăm khám, chữa bệnh. Trẻ em trong làng đều được đến trường.
Theo ông Lê Hải Danh, Phó Chủ tịch xã Đăk Tơ Pang, so với trước, xã nay đã thay đổi rất nhiều. Nhiều làng đã có điện, nước sạch đầy đủ, hệ thống trường - trạm được đầu tư bài bản. Có làng trước đây không thể qua lại trung tâm xã bởi sông chia cắt, thì nay đã được đầu tư xây dựng đập tràn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, buôn bán… Đặc biệt, công tác giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư, đã nâng cao hiệu quả đào tạo, chất lượng khám, chữa bệnh rất nhiều. Nhờ đó, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, người dân khi đau ốm đều được khám, chữa bệnh kịp thời…
Tuy nhiên, hiện xã còn nhiều khó khăn, do đặc thù về địa lý, nằm tách biệt ở một khu vực, bao quanh là đồi núi nên việc giao thương, trao đổi để phát triển kinh tế- xã hội với các thị trấn khác trong huyện rất hạn chế. Đặc biệt, toàn xã chỉ có hơn 1.000 ha đất sản xuất nhưng phần lớn nằm ở địa hình đồi dốc, thường bị xói mòn và kém màu mỡ, trong khi đó, nhiều người dân còn bị ảnh hưởng bởi tập quán canh tác cũ nên hiệu quả sản xuất rất thấp. Để công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Đăk Tơ Pang có chuyển biến hơn nữa, từng bước đưa bộ mặt nông thôn mới bừng sáng nơi núi rừng Tây Nguyên, chính quyền xã đã chọn làng Brăng làm mô hình điểm làng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2020.
Quang Thái