Các tập thể tiêu biểu trong công tác tuyên truyền miệng tại thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai được tuyên dương. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Tỉnh Gia Lai có gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số, địa bàn rộng với địa hình đồi núi, khu dân cư ở cách xa nhau khiến công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn. Hiện 17/17 huyện, thị, thành ủy trong tỉnh đã ban hành kế hoạch, có quyết định thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở để người dân được tiếp cận gần hơn với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là lực lượng góp phần tích cực chuyển tải thông tin, chính sách, chủ trương đến với cơ sở, phản hồi kịp thời tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với cấp ủy, chính quyền địa phương, là cầu nối tin cậy giúp Đảng, chính quyền gần dân, sát dân, hiểu dân hơn.
Sau hai năm thực hiện, tỉnh Gia Lai có hơn 2.500 đảng viên tham gia công tác tuyên truyền miệng tại các thôn, làng, tổ dân phố, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, đồng thời giữ vững an ninh, chính trị cơ sở. Một số mô hình triển khai thành công như: Huyện Kbang tuyên truyền đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa của tư thương, đại lý liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Krông Pa thông tin tình hình cho vay nặng lãi, tín dụng "đen" trên địa bàn để người dân biết, phòng tránh. Huyện Đak Đoa tổ chức giới thiệu chủ trương, công tác chuẩn bị, tiến hành các bước sáp nhập các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện… Ngoài ra, các tuyên truyền viên thường xuyên tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng việc xây dựng nông thôn mới, làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giáo dục các đối tượng lầm lỡ tin theo tà đạo, đạo lạ sống hòa nhập cộng đồng, chăm chỉ làm ăn, tham gia đầy đủ các buổi phát động, hoạt động tập thể tại cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai Lê Phan Lương biểu dương 15 tập thể có thành tích tiêu biểu trực tiếp tham gia trong lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng trên địa bàn. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn, chỉ đạo việc thành lập, củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đi vào hoạt động.
Hồng Điệp