Gia Lai: Cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ xuất cảnh trái phép

Gia Lai: Cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ xuất cảnh trái phép

Xuất cảnh trái phép sang nước ngoài với mong muốn có việc làm lương cao là ước mơ của nhiều người dân tộc thiểu số tại Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi. Đầu tháng 6/2023, bốn người dân ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã trở về quê hương trong niềm vui đoàn tụ và nỗi buồn cùng sự hối hận.

Hối hận vì tin lời kẻ xấu

Trước đây, anh Kpuih Ni và vợ là Rah Lan H’Pơm trú tại làng Hra (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) từng là công nhân làm việc ở Đồng Nai có thu nhập ổn định. Sau đó, hai vợ chồng đã quen Y San qua mạng xã hội và bị dụ dỗ sang ra nước ngoài làm việc với mức lương cao. Mong muốn được đổi đời, hai vợ chồng đã quyết định bỏ việc, bán tài sản tích góp để trả cho người dẫn đường 67 triệu đồng. Khi sang đến nước ngoài, không thấy bóng dáng Y San đâu, chỉ có những công việc nặng nhọc, ít tiền và sống trong sợ hãi. Sau hơn 1 năm nhẫn nhịn mưu sinh, họ đã tích góp được đủ tiền để trở về nhà.

Anh Kpuih Ni chia sẻ, anh rất hối hận khi nghe lời Y San dẫn theo vợ con trốn sang nước ngoài. Anh lo sợ nếu bị Cảnh sát bắt, không biết vợ con sẽ sống thế nào, ốm đau không có người chăm sóc… Do đó, dù đi làm bị chửi mắng nhưng vì đồng tiền, anh phải nhẫn nhịn, tích góp để tìm đường về quê.

Gia Lai: Cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ xuất cảnh trái phép ảnh 1Anh Rơ Mah To, làng Tai Pêr, xã Ia Hla, Chư Pưh, tỉnh Gia Lai vừa trở về nhà từ Thái Lan. Ảnh: TTXVN phát

Cùng chung cảnh ngộ, Rơ Mah To trú tại làng Tai Pêr (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) cũng bị đối tượng Rah Lan Đương - một người sống tại nước ngoài lừa sang đó sẽ được đưa đi Canada định cư. Mộng ước có được cuộc sống tốt hơn, anh To đã giấu vợ bán xe công nông và góp được 31 triệu đồng rồi trốn sang nước ngoài. Khi đến nơi, không những không có việc làm ổn định, anh To còn phải tìm đủ mọi việc để kiếm ăn từng bữa và luôn sống trong sợ hãi. Biết mình bị lừa, anh To đã gọi điện xin anh trai gửi tiền để có thể trở về đoàn tụ với gia đình, thoát khỏi cuộc sống khổ cực nơi xứ người.

“Sang đó, không có việc làm, cơm không đủ ăn, nước uống cũng phải mua, tiền trọ cao, đi làm sợ Cảnh sát nước sở tại bắt. Tôi nghĩ lại ở nhà còn khó khăn quá, tiền vay ngân hàng đã đến hạn đóng lãi, mẹ già yếu, vợ không có việc, làm sao nuôi được con nhỏ. Do đó, tôi đã quyết định gọi điện xin anh trai cứu giúp, gửi tiền qua, rồi tìm đường trở về. Gia đình không còn tiền đang lâm vào cảnh khó khăn.” - anh Rơ Mah To hối hận.

Theo Kpuih Ni và Rơ Mah To, khoảng 50 người dân tộc thiểu số từ Tây Nguyên nhập cư bất hợp pháp sang nước bạn. Họ đang sống trong cảnh khó khăn, bị chèn ép và bóc lột mà không thể lên tiếng với chính quyền sở tại. Họ mong muốn sớm được quay về Việt Nam nhưng vì không có tiền nên đành cam chịu.

Ngăn chặn xuất cảnh trái phép

Thiếu tá Đoàn Văn Trọng, Trưởng Công an xã Ia Hla, huyện Chư Pưh cho biết, hầu hết những người trốn đi ra nước ngoài vì mục đích kinh tế. Một số vì tò mò nên bị đối tượng xấu ở nước ngoài dụ dỗ, lôi kéo, chiếm đoạt tài sản. Hành vi xuất cảnh trái phép để lại rất nhiều hệ lụy cho chính bản thân, gia đình và địa phương nơi họ sinh sống. Để chuẩn bị tiền cho chuyến đi, họ buộc phải bán các tài sản có giá trị, chuyển nhượng đất đai… Vì vậy, khi trở về, hầu như tư liệu sản xuất đã không còn.

Gia Lai: Cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ xuất cảnh trái phép ảnh 2Cảnh sát Thái Lan làm việc với các trường hợp người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhập cư trái phép. Ảnh: congan.gialai.gov.vn

Theo Trưởng Công an xã Ia Hla, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ những trường hợp này được phần nào nhu yếu phẩm ban đầu. Về lâu dài, họ phải tự nỗ lực, vươn lên, cố gắng làm lại từ đầu. Đặc biệt, họ phải chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, để được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Để ngăn chặn hành vi vượt biên và giúp đỡ những người từng lầm lỗi ổn định cuộc sống, Công an xã Ia Hla đã tham mưu cho UBND xã, Công an huyện Chư Pưh thành lập 4 tổ công tác tại 4 thôn trọng điểm để cán bộ có thể gần dân, nắm hộ, nắm người và tích cực tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an xã đã tổ chức hơn 16 buổi tuyên truyền pháp luật, thu hút gần 3.000 lượt người tham gia. Các hoạt động này giúp người dân cảnh giác, tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu.

Xuất cảnh trái phép là hành vi nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà còn đe dọa đến tính mạng. Nhiều người đã nhập cảnh trái phép vào nước khác vẫn đang trông ngóng từng ngày để được trở về quê hương. Thậm chí, xã Ia Hla đã có những trường hợp không thể quay trở về, vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách, để lại nỗi đau cho gia đình. Đây là bài học đắt giá cho những ai có ý định xuất cảnh trái phép.

Hoài Nam - Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm