Festival Huế 2016: Nơi gặp gỡ, giao lưu văn hoá Việt Nam và thế giới

Festival Huế 2016: Nơi gặp gỡ, giao lưu văn hoá Việt Nam và thế giới

Tại cung Diên Thọ, Đại Nội - Huế, nét độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam được thể hiện qua chương trình "Âm sắc Việt"; đây là một loại hình nghệ thuật truyền thống luôn thu hút đông đảo khán giả đến xem. Năm nay, chương trình "Âm sắc Việt" được các nghệ nhân, nghệ sỹ đến từ Câu lạc bộ Nhã nhạc - Ca Huế Phú Xuân (thành phố Huế), Câu lạc bộ Ca Trù Thái Hà (Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi cùng Câu lạc bộ đàn & hát dân ca thành phố Đà Nẵng trình diễn. 

Đêm hội áo dài- một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc tại Festival Huế 2016. Ảnh: Quốc Việt- TTXVN
Đêm hội áo dài- một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc tại Festival Huế 2016. Ảnh: Quốc Việt- TTXVN

Chương trình "Âm sắc Việt" nổi bật là nghệ thuật truyền thống của dân tộc bao gồm: Nhã nhạc cung đình, thể loại âm nhạc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa - Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể nhân loại và Ca Huế một thể loại âm nhạc cổ truyền đặc sắc của xứ Huế, đây là hai thể loại âm nhạc mang nhiều giá trị trong hệ thống nghệ thuật truyền thống Huế. Nghệ thuật ca trù thể hiện trọn vẹn những nét tinh túy của một loại hình nghệ thuật dân gian bác học được lưu giữ tại giáo phường ca trù Thái Hà với hơn 30 làn điệu; nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi là một hình thái nghệ thuật trình diễn dân gian sinh động mang bản sắc riêng với sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác, y phục, mỹ thuật, thể hiện tính đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của cộng đồng cư dân miền Trung. 

Nghệ nhân Trần Thảo, Câu lạc bộ Nhã nhạc - ca Huế Phú Xuân - người đã từng tham gia chương trình "Âm sắc Việt" trong nhiều kỳ Festival Huế cho biết, tất cả các giá trị nghệ thuật độc đáo của những loại hình nghệ thuật này được hòa quyện vào không gian cổ kính của thành quách như đưa người xem về miền hư ảo. Các chương trình nghệ thuật của các đoàn nối tiếp nhau trình diễn với những lời ca và tiếng đàn, nhịp phách đã thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ cùng đến tham dự. "Cứ mỗi mùa Festival đến, tôi luôn có những phút giây vui mừng và trăn trở, đó là ngoài việc được biểu diễn giới thiệu nghệ thuật truyền thống của Huế đến với du khách trong và ngoài nước, tôi mong muốn nghệ thuật ca Huế cần được quan tâm nhiều hơn nữa để có thể sánh vai cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác như ca trù của miền Bắc hay đàn ca tài tử ở Nam bộ", nghệ nhân Trần Thảo chia sẻ. 

Cộng hoà Pháp vẫn là đối tác chính tại Festival Huế với 5 đoàn nghệ thuật tham gia. Kể từ năm 2000, khi kỳ Festival Huế đầu tiên được tổ chức có sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp và Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, đến nay sau 8 kỳ tổ chức, Festival Huế luôn có sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật của nước Pháp. Các đoàn nghệ thuật “Compagnie pas Terre” (múa đương đại - hip hop) và ban nhạc “Fuzeta” (Indie rock) và đoàn nghệ thuật L’Homme Debout chính thức có những buổi diễn đầu tiên tại Festival Huế. 

Xích lô Huế- một nét văn hóa đẹp được nhiều du khách nước ngoài yêu thích khi tới thăm quan Huế. Ảnh: Quốc Việt- TTXVN
Xích lô Huế- một nét văn hóa đẹp được nhiều du khách nước ngoài yêu thích khi tới thăm quan Huế. Ảnh: Quốc Việt- TTXVN


Người dân Huế lâu nay vốn trầm lắng, vẫn không ngồi yên được ở nhà khi đoàn nghệ thuật L’Homme Debout đã có buổi trình diễn đầu tiên với chú rối khổng lồ Liédo cao 7.5m. Chương trình nghệ thuật đường phố được đông đảo khán giả tại Huế hưởng ứng trong hơn 60 phút quãng diễn. Chú rối Liédo - cao 7.5m có khớp được làm từ chất liệu mây tại Pháp - được các thành viên trong đoàn điều khiển với hành trình bắt đầu từ chân cầu Gia Hội (đoạn công viên Trịnh Công Sơn), đi qua đường Trần Hưng Đạo, dọc ngang chợ Đông Ba. Chú rối Liédo đã mang một vali trên tay như một chuyến đi trải nghiệm, khám phá Huế, đường phố và con người đất cố đô. Trong quá trình di chuyển hơn một giờ đồng hồ, chú rồi còn khiến người xem kinh ngạc khi các nghệ sĩ điều khiển để chú rối có thể thực hiện một số động tác như: tung đôi chân như chuẩn bị bay lên trời cao, khiêu vũ giữa biển người thưởng ngoạn, trên tay cầm hoa vẫy chào mọi người, trong nền nhạc du dương được chính nghệ sĩ thuộc đoàn L’Homme Debout biên soạn. 

Tại sân điện Kiến Trung (Đại Nội - Huế) có rất đông đảo khán giả và khách du lịch trong và ngoài nước đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc qua tiếng hát của các nghệ sỹ từ nước Nga xa xôi xinh đẹp. Chương trình là những bài hát dân ca được nối tiếp nhau bằng nhiều nội dung mô tả cuộc sống của người dân Nga khi mùa đông đang đến trên ngọn núi Kapat, và những người đàn ông cũng phải ra đi bởi cuộc chiến vệ quốc khốc liệt, rồi từ trong tâm trí họ những đồng cỏ cứ hiện lên dù họ vẫn đang ở chiến trường xa xôi... nhưng tất cả đều hướng về một niềm tin của một ngày mai tươi sáng. Ông Apeobeb ahaon - Trưởng đoàn cho biết, thông điệp của những người nghệ sỹ vùng Kuban đến với Việt Nam, với Festival Huế 2016 chính là văn hóa Nga. Ngoài ra, ông cũng mong rằng việc tham gia biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế 2016 là để mọi người trên thế giới biết nhiều hơn về người Kazak vùng Kuban thuộc Liên bang Nga. 

Cung Văn hóa Trung ương Mông Cổ đến tham dự Festival Huế 2016 có các chương trình biểu diễn lớn của nhiều ca sĩ, vũ công và nghệ sĩ uốn dẻo, nhất là loại hình nghệ thuật “Khöömii” (hát đồng song thanh) và chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống đặc sắc của Mông Cổ. Lối sống du mục cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã đã tạo nên những nét đặc trưng cho di sản văn hóa của người Mông Cổ, được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ. Những nghệ sĩ của Cung Văn hóa Trung ương luôn nỗ lực phấn đấu, không chỉ để kế thừa những di sản văn hóa phi vật thể vô giá của cha ông, mà còn để quảng bá hình ảnh của nền văn minh Mông Cổ ra thế giới. Ban nhạc Katarzia & Viktor - Slovakia chơi ghi-ta và những ca khúc rap dân gian hết sức sôi động, tạo thành những đêm diễn hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Cố đô Huế. 

Biểu diễn của đoàn nghệ thuật Nga tại Festival Huế 2016. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN
Biểu diễn của đoàn nghệ thuật Nga tại Festival Huế 2016. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN


Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, có trên 2.200 nghệ sỹ trong nước và quốc tế đăng ký tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2016; trong đó, hơn 270 nghệ sỹ quốc tế đến từ 23 đoàn của 17 quốc gia, 350 nghệ sỹ đến từ 9 đoàn nghệ thuật trong nước và gần 1.600 nghệ sỹ chuyên nghiệp, bán chuyên và không chuyên. Festival Huế 2016 có tất cả 53 lễ hội, chương trình nghệ thuật và gần 50 hoạt động hưởng ứng được chia làm 2 tour với 74 suất diễn, trong suốt thời gian từ 29/4 - 4/5. 

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, mang dấu ấn của những nền văn hóa khác nhau trên thế giới, tinh hoa di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Huế, Festival Huế 2016 tiếp tục tái hiện nhiều sinh hoạt cung đình độc đáo trong không gian huyền ảo của Đêm Hoàng cung, các chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật dân gian, nghệ thuật Cung đình xứ Huế, ngày hội "Khinh khí cầu", các lễ hội đường phố sôi động khác với sự tham gia của nghệ sỹ trong và ngoài nước..

Trong khuôn khổ Festival Huế 2016, chiều 1/5/2016, Lễ hội đường phố với chủ đề “Di sản và sắc màu văn hóa” của các đoàn nghệ thuật Đông Á - Mỹ La tinh chính thức khai mạc. Lễ hội thu hút sự tham gia của 15 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Trong ảnh:Đoàn nghệ thuật múa Quảng Đông, Trung Quốc tham gia Lễ hội đường phố. Ảnh:Thanh Hà – TTXVN
Trong khuôn khổ Festival Huế 2016, chiều 1/5/2016, Lễ hội đường phố với chủ đề “Di sản và sắc màu văn hóa” của các đoàn nghệ thuật Đông Á - Mỹ La tinh chính thức khai mạc. Lễ hội thu hút sự tham gia của 15 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Trong ảnh:Đoàn nghệ thuật múa Quảng Đông, Trung Quốc tham gia Lễ hội đường phố. Ảnh:Thanh Hà – TTXVN





Có thể bạn quan tâm