Bài 4 (Bài cuối): Sức bật lớn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia
Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đi vào cuộc sống đã thật sự tạo ra sức bật mạnh mẽ, tạo nên nhiều gam màu tươi sáng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập sinh kế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.
Ði dọc Quốc lộ 9 lên huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của những vườn chuối, vườn sắn, rừng tràm trải dài trên các triền đồi; những vườn cà phê, hồ tiêu xanh um; nhà cửa người dân mọc lên ngày càng nhiều và khang trang hơn.
Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều chính sách ưu đãi lớn, đặc biệt là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia đang mang lại hiệu quả thiết thực. Được đầu tư hạ tầng và có vốn vay ưu đãi, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư trồng rừng keo tràm, nuôi bò, nuôi dê, cải tạo đất đồi thành ruộng trồng lúa nước, bắp lai, xuất khẩu lao động. Nhờ đó, nhiều gia đình có điều kiện để mở rộng đầu tư sản xuất, có thu nhập cao, tỷ lệ hộ khá trong các thôn, bản tăng lên; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, ấm no.
Xã A Ngo, là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Đakrông, với 100% dân số là người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều và Tà Ôi là một điển hình trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trước đây, tình trạng thiếu lương thực trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã A Ngo đã lặn lội đến các địa phương học tập kinh nghiệm thoát nghèo và vận động người dân ngoài trồng cây lúa phải trồng thêm ngô, sắn và các loại cây ăn quả, cây dược liệu để giải quyết bài toán lương thực, cải thiện đời sống kinh tế.
Đến nay, toàn xã có hơn 130 ha lúa, 328 ha ngô, hơn 200 ha sắn và hàng chục ha các giống cây trồng khác. Ước tính, mỗi năm thu nhập từ các loại cây trồng, vật nuôi của người dân xã A Ngo đạt hàng chục tỷ đồng. Năm 2023, 6/8 chỉ tiêu về kinh tế và 9/10 chỉ tiêu về xã hội của xã A Ngo đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tỉ lệ hộ nghèo giảm 6,37%. Nhiều gia đình ở xã A Ngo đã giảm được nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, hàng chục hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Từ nguồn ngân sách được cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, bộ mặt nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao. Đặc biệt, 100% đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% số thôn, bản có đường liên thôn theo tiêu chuẩn cứng hóa giúp bà con thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả các xã ở vùng dân tộc thiểu số đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào cũng đang ngày càng được quan tâm thực hiện tốt hơn. Đến nay, 28/28 xã vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đều có trường tiểu học, 75% số xã có trường Trung học cơ sở. Lĩnh vực văn hóa, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị cũng được quan tâm đầu tư và đạt nhiều kết quả khởi sắc. Trong đó, 40% xã có nhà văn hóa đạt chuẩn; 88% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; 66% số hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm qua, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Nhờ đó, đồng bào ngày càng tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh sinh sống.
Bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, giai đoạn 2024-2025, Quảng Trị tập trung cao nhất nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để lồng ghép thực hiện đồng thời ba Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng dân tộc thiểu số; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Năm 2024, tỉnh Quảng Trị dành trên 368 tỷ đồng để thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, hơn 178 tỷ đồng sẽ được phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo được nâng lên. Đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng từ 36 triệu đồng/người/năm vào năm 2022 lên 38,5 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm (huyện A Lưới giảm 16,31%, giảm từ 40,71% xuống còn 24,4%; huyện Nam Đông giảm 4,32%, giảm từ 6,94% xuống còn 2,62%).
Tại Quảng Nam, từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép với các chính sách khác triển khai hiệu quả nhiều công trình, dự án giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam cho biết, giai đoạn 2021-2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã bao phủ, đầu tư đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại tất cả xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Đến nay, đã có 113.945 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tạo việc làm cho hơn 26.500 lao động. Quảng Nam triển khai thực hiện tốt chính sách giảm nghèo chung của quốc gia như: Chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý.
Báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của Quảng Nam lên đến hơn 5.700 tỷ đồng. Theo đó, hàng loạt công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhiều công trình phát huy hiệu quả nhanh như giao thông, thủy lợi, quy hoạch sắp xếp dân cư, gắn với phát triển sản xuất, tiếp cận thuận lợi dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022 - 2025 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm nhanh, đều và tương đối bền vững qua các năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết, để bảo đảm an sinh xã hội, giúp hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số yên tâm phát triển sản xuất, thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng việc lồng ghép các chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nguồn vốn vay, các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách về thu nhập và đời sống người dân trên từng địa bàn, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả và bền vững cho đồng bào. (Hết)
Nguyên Linh - Lê Lâm - Tường Vy - Hữu Trung