Đừng phá hỏng thành quả chống dịch COVID-19 vì sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm

Đừng phá hỏng thành quả chống dịch COVID-19 vì sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm

Câu chuyện về bệnh nhân số 1342 là nam tiếp viên hàng không do không tuân thủ nguyên tắc cách ly đã làm lây lan bệnh ra cộng đồng, khiến 3 người khác cùng mắc bệnh hồi đầu tháng 12/2020 vẫn chưa cũ, thì vụ việc liên quan đến một nam du học sinh từ Mỹ trở về, sau khi rời khu cách ly vài giờ nhận được thông báo dương tính với SARS-CoV-2 và được ghi danh bệnh nhân số 1498 lại vừa xảy ra trong những ngày đầu của năm mới 2021.

Bệnh nhân là Đ.T.N., du học sinh Mỹ, sinh năm 1999, trở về Việt Nam bằng đường hàng không vào ngày 21/12/2020. Trong thời gian thực hiện cách ly tại Trung đoàn E59 ở Chương Mỹ, Hà Nội, du học sinh này có 1 lần âm tính với SARS-CoV-2. Đến 16h ngày 4/1, N. hết thời gian cách ly. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm lần 2, du học sinh được người thân từ Hạ Long lên đón về bằng ô tô.

Theo cơ quan chức năng, lý do du học sinh tên N được ra khỏi khu cách ly khi chưa có chứng nhận xét nghiệm âm tính lần 2 là sự "nhầm lẫn" của cơ quan y tế phụ trách khu cách ly - Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đã thừa nhận đây là sai sót và cho rằng: "Đây là sự việc hết sức đáng tiếc đối với Sở Y tế cũng như Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ. Đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với trung tâm y tế các quận huyện trong việc quản lý người cách ly tập trung trên địa bàn thành phố để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch COVID-19".

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, mỗi sự vô ý, thiếu ý thức… của bất cứ cá nhân hay sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của một vài đơn vị có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực bấy lâu nay của cả hệ thống, tệ hơn là khiến cả xã hội phải trả giá. Các lực lượng chức năng lại căng mình ra rà soát, truy vết các F1, F2, là các địa địa điểm cách ly lại phải thêm gánh nặng khi phải tiếp nhận thêm người cách ly. Các cán bộ y tế lại ngày đêm lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân… Không chỉ vậy, những tổn thất về kinh tế là không thể tính đếm được.

Nếu chỉ vì một vài cá nhân mà dịch bệnh lây lan trở lại trong cộng đồng thì ý thức tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của đại đa số người dân, những cán bộ, chiến sĩ thức thâu đêm để khoanh vùng, dập dịch, những tháng ngày dầm sương, gió của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nơi biên giới, những tháng xa gia đình để làm việc trong khu cách ly hay làm việc quá sức đến mức ngất xỉu của các các bộ y tế… đã trở nên vô ích.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan với tốc độ nhanh chóng trên diện rộng tại nhiều nước trên thế giới, mỗi ngày có thêm khoảng 600 nghìn ca mắc mới và khoảng 6 nghìn ca tử vong. Tại Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Song nguy cơ dịch bệnh quay trở lại rất cao khi tại 38 quốc gia đã xuất hiện chủng virus mới có khả năng lây lan mạnh hơn, khiến nhiều nước phải áp dụng các biện pháp mạnh, tái phong tỏa để phòng, chống dịch. Đặc biệt, Việt Nam vẫn đang phải đối phó với nguy cơ rất cao là nguồn lây nhiễm xâm nhập từ bên ngoài qua các đối tượng nhập cảnh, hoặc vượt biên trái phép qua đường mòn, lối mở không được kiểm soát triệt để...

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để tiếp tục khống chế và kiểm soát thành công dịch COVID-19, không để xảy ra trường hợp mang bệnh xâm nhập và lây lan trong nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng tổ chức các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp, trước hết là từ Anh, Nam Phi.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam ngày 23/1/2020, trong bất kỳ tình huống nào, Chính phủ cũng luôn xác định chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của Chính phủ, việc thực hiện đầy đủ, quyết liệt các giải pháp ứng phó nhằm ngăn chặn dịch của các cơ quan chức năng thì ý thức trách nhiệm, sự tự giác… của mỗi cá nhân là yếu tố vô cùng quan trọng trong phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch, quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", kiên quyết không vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một vài cá nhân mà làm tổn hại đến thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt, mỗi người cần trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch COVID-19 theo các khuyến cáo của Bộ Y tế; nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K; có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể; không nghe theo hoặc phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội.

Bích Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm