Trụ sở Trung tâm. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN |
Theo ông Nguyễn Tấn Khương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bạc Liêu được thành lập trên cơ sở giải thể Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Trung tâm là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, là đầu mối tập trung để thực hiện việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, đôn đốc, theo dõi việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; thủ tục hành chính được cơ quan có thẩm quyền giao tiếp nhận.
Người dân đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN |
Hiện Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bạc Liêu được bố trí 32 quầy giao dịch, phục vụ làm việc cho 18 sở, ban, ngành; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết 121 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 9 lĩnh vực của các cơ quan ngành dọc tại địa phương với tổng số 1.011 thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đến làm việc tại Trung tâm là những người có đủ phẩm chất đạo đức, khả năng ứng xử tốt, chịu được áp lực công việc cao và có trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phát biểu tại Lễ khai trương, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: Việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp trong liên hệ giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính liên thông, minh bạch, giảm bớt phiền hà, thời gian, công sức cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, từng bước cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới.
Huỳnh Sử