Đại học Đà Lạt. Ảnh: kientrucvietnam.org.vn |
Mùa mưa, những con đường dẫn đến thôn Preteng 2 (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) rất khó khăn. Phải mất nửa giờ đi xe máy, chúng tôi mới đến được nơi “đóng quân” của 20 sinh viên tham gia tình nguyện tại đây. Mặc dù trời mưa lất phất nhưng bạn Huỳnh Hữu Duy (sinh viên năm 3, Khoa Sinh học, Trưởng nhóm sinh viên tình nguyện tại xã Phú Sơn) vẫn cùng chị Ka Dung, thôn Preteng 2 đi kiểm tra khu vực ủ phân vi sinh bằng vỏ cà phê phía sau nhà chị. Sau gần 20 ngày, vỏ cà phê bắt đầu phân hủy. Theo đúng quy trình, hơn 1 tháng nữa, số phân ủ này có thể bón trực tiếp cho vườn cà phê nhà chị Ka Dung.
Chị Ka Dung cho biết: Những năm trước, chị chỉ bán rẻ vỏ cà phê cho thương lái trong khi phải mua phân hóa học về sử dụng với số tiền lớn. Sau khi các bạn sinh viên hướng dẫn kỹ thuật ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê, chị thấy rất đơn giản và dễ thực hiện.
Khi hoàn thiện quy trình ủ phân vi sinh cho gia đình chị Ka Dung, Duy cùng các bạn tiếp tục thử nghiệm mô hình này tại một gia đình khác trong thôn. Vừa kết hợp làm thử nghiệm, nhóm còn tận tình chuyển giao kỹ thuật ủ phân cho bà con trong vùng.
Hiện nhóm đã thực hiện chuyển giao cho 3 hộ gia đình với tổng số 12 khối vỏ cà phê. Ở đây, hầu như mọi người chưa biết đến công nghệ này. Thoạt nghe có vẻ khó nhưng thực tế rất dễ thực hiện, bà con chỉ cần giữ lại vỏ cà phê và dùng chế phẩm sinh học mua trên thị trường về trộn lẫn, ủ trong khoảng 2-3 tháng, sau đó có thể đem bón cho vườn cà phê như một dạng phân hữu cơ, vừa tốt cho cây vừa thân thiện với môi trường, Duy cho biết.
Cũng thực hiện chủ trương đưa tri thức về với buôn làng, nhóm tình nguyện viên ở xã Phi Tô (Lâm Hà) chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cà phê cho bà con ngay khi xuống địa bàn. Khi chúng tôi đến, nhóm sinh viên tình nguyện đang miệt mài dọn cỏ, bón phân cho vườn cà phê của gia đình chị K’Réo (thôn 5, xã Phi Tô).
Bạn Lý Thị Cẩm Nhung (sinh viên năm thứ 4, Khoa Nông - Lâm, Trường Đại học Đà Lạt) cho biết: Bà con ở đây thường bón phân sai kỹ thuật khiến cây không hấp thụ hết và bị cháy lá. Do đó, chúng em hướng dẫn kỹ thuật bón phân theo tán cây, nghĩa là cào nhẹ lớp đất trên bề mặt hai bên gốc cây, nơi có những bộ rễ tở để cây dễ hấp thụ dinh dưỡng, sau đó lấp đất lại cho phân đỡ bị trôi hoặc bốc hơi.
Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, chị K’Réo cho biết: Những năm tiếp theo, gia đình mình sẽ áp dụng kỹ thuật bón phân theo hướng dẫn của các sinh viên tình nguyện.
Bạn Trịnh Trương Kim Trọn (Trưởng nhóm tình nguyện viên ở xã Phi Tô, huyện Lâm Hà) cho biết, với 20 thành viên, nhóm tình nguyện chia nhau thực hiện các công việc tại địa bàn 6/7 thôn của xã Phi Tô. Các hoạt động tình nguyện nhận được sự ủng hộ của bà con trong vùng.
Ngoài nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cà phê, các sinh viên tình nguyện còn triển khai nhiều hoạt động như: Tạo sân chơi cho thiếu nhi, làm sân bóng chuyền cho thanh niên địa phương, giúp đỡ một số hộ nghèo sửa nhà…
Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đà Lạt Phan Tuấn Anh cho biết, mục tiêu chính của chiến dịch Mùa hè xanh năm nay là đưa tri thức về với buôn làng. Bởi đây là mô hình phù hợp giúp bà con biết áp dụng kỹ thuật mới trong lao động sản xuất.
Sau khi kết thúc chiến dịch, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục cử cán bộ, sinh viên theo dõi các mô hình chuyển giao công nghệ đã thực hiện ở huyện Lâm Hà, từ đó nhân rộng cho bà con trong vùng áp dụng theo, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đà Lạt Phan Tuấn Anh khẳng định.
Nguyễn Dũng