Đưa Cần Thơ trở thành "thủ phủ" khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đưa Cần Thơ trở thành "thủ phủ" khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hội thảo nhằm tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động khởi nghiệp trong nước giai đoạn 2015 – 2016, từ đó đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ thích hợp cho các cá nhân, tập thể có mong muốn khởi nghiệp trong tương lai, đồng thời đặt ra định hướng, giải pháp cho vấn đề khởi nghiệp tại Cần Thơ. 

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ cho biết, khởi nghiệp ở Việt Nam đang trở thành xu thế chung. Theo Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016, nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 đã tăng mạnh lên mức 56,8%, xếp thứ 9/60 quốc gia được khảo sát, so với 39,4% vào năm 2014. Chỉ số cơ hội và tiềm năng khởi nghiệp cũng được đánh giá đứng đầu khối ASEAN. 

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; trong đó doanh nghiệp tư nhân bảo đảm đóng góp khoảng 49% GDP. 

Tuy nhiên, khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Đa phần các cá nhân khởi nghiệp ở độ tuổi rất trẻ (18-25), chưa có cơ hội va chạm với thực tế kinh doanh và tiếp cận thị trường. Bất lợi về kinh nghiệm khiến không ít doanh nghiệp trẻ đặt ra những định hướng phát triển xa rời nhu cầu thị trường, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, thậm chí phải ngừng hoạt động. Năm 2015, tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam từ bỏ kinh doanh là 27%, xếp thứ 27/60 nền kinh tế toàn cầu. 

Cùng với đó, sự thiếu tự tin trong kinh doanh, lo ngại thất bại cũng khiến nhiều cá nhân trì hoãn việc khởi sự kinh doanh dù đã nhận thấy cơ hội khởi nghiệp. Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp cho thấy, cứ 100 người Việt Nam trưởng thành thì chỉ có 14 người đang khởi sự kinh doanh, đạt tỷ lệ 13,7%, xếp thứ 20/60 toàn cầu. 

Khuyến nghị trước thực trạng khởi nghiệp hiện nay, Tiến sĩ Lương Minh Huân, Viện phó Viện Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thông qua phát triển các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, các hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn khởi nghiệp một cách nhanh chóng. 

Quan trọng nhất là tập trung cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản, xây dựng lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần nắm bắt cơ hội, tự tin khởi nghiệp. Riêng Cần Thơ, vốn được xem là trung tâm kinh tế của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được nhận xét là có tinh thần khởi nghiệp rất cao, dựa trên những nền tảng thực và hoàn toàn có thể phát triển bền vững. 

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ, thời gian qua, kinh tế Cần Thơ liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng ổn định 5,88%/năm, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành về chỉ số cạnh tranh. Năm 2016, toàn thành phố có 67.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, 221 hợp tác xã, đóng góp 4.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách thành phố và tạo việc làm cho hơn 125.000 lao động, xã viên với mức thu nhập hằng năm 50 triệu đồng/người. Với hơn 1.000 doanh nghiệp mới ra đời mỗi năm, dự kiến đến năm 2020, Cần Thơ sẽ trở thành thung lũng khởi nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp ở Cần Thơ cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Ngoài hạn chế chung về vấn đề thiếu kinh nghiệm, thiếu tự tin ở doanh nghiệp trẻ, khởi nghiệp ở Cần Thơ còn thiếu khung pháp lý đồng bộ và nguồn quỹ đầu tư ổn định từ Chính phủ. Với bản chất nhiều rủi ro, thiếu tài sản đảm bảo khiến việc huy động vốn vay từ các kênh truyền thống như ngân hàng thương mại là hết sức khó khăn với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ nguy cơ dừng hoạt động là rất cao. 

Bên cạnh đó, phần lớn các mô hình khởi nghiệp ở Cần Thơ ít mang tính đổi mới, chỉ tập trung ở một số ngành, lĩnh vực, thiếu sáng tạo trong sản phẩm và công nghệ. Đặc biệt, khi Việt Nam đang gia nhập sâu vào các Hiệp định thương mại quốc tế, sự thiếu đổi mới sẽ khiến Cần Thơ càng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh quốc tế. 

Để giải quyết thực trạng này, ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ nhấn mạnh, thành phố cần đặt mục tiêu xây dựng môi trường sáng tạo, đẩy mạnh các chương trình đào tạo cho doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp. Năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ tổ chức khoá đào tạo “Khởi nghiệp của bạn” hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên và những người trẻ mong muốn khởi nghiệp, với mục tiêu hỗ trợ, bổ sung kiến thức, kỹ năng căn bản về khởi nghiệp. Từ đó, phát hiện và phát triển ý tưởng mới trong kinh doanh của học viên, ươm mầm cho những sản phẩm, công nghệ sáng tạo có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ cho biết, Sở sẽ tích cực phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ xây dựng, mở rộng hệ thống không gian làm việc cho doanh nhân khởi nghiệp và đề xuất hướng đi, lĩnh vực khởi nghiệp ở địa phương. Đồng thời, phối hợp và kêu gọi các đơn vị, trung tâm khởi nghiệp, cơ sở giáo dục, trường học tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cấp nội bộ, cấp vùng để doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, thể hiện năng lực, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Về vấn đề vốn khởi nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ xác định, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp là nguồn lực quý báu trong giai đoạn phát triển hiện tại. 

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ với mục tiêu đạt ngân sách 10 tỷ đồng cho giai đoạn 2017-2020, phục vụ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và chương trình đào tạo. Ngoài kêu gọi hỗ trợ từ Chính phủ, Quỹ cũng sẽ tập trung thu hút các khoản đầu tư mạo hiểm từ các doanh nghiệp lớn, những người chấp nhận rủi ro khi đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Mục tiêu chính là dùng mạng lưới quỹ đầu tư để chuyên nghiệp hoá hoạt động khởi nghiệp, đưa Cần Thơ trở thành "thủ phủ" khởi nghiệp của toàn vùng./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm