Phát triển bền vững nghề dệt Zèng A Lưới gắn với thu hút khách du lịch

Phát triển bền vững nghề dệt Zèng A Lưới gắn với thu hút khách du lịch
Danh mục sản phẩm, dịch vụ nhãn hiệu nghề dệt Zèng A Lưới gồm các sản phẩm Zèng (túi xách, cặp xách, va li, túi du lịch, ví ...), vải Zèng (khăn trải bàn, khăn trải giường, khăn phủ gối, rèm, áo chăn, áo gối, áo nệm), các sản phẩm của Zèng (quần áo, cà vạt, khố, thắt lưng, khăn)...

Nghề dệt zèng không chỉ là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới mà còn là công việc giúp một bộ phận người dân nơi đây có việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Nghề dệt zèng không chỉ là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới mà còn là công việc giúp một bộ phận người dân nơi đây có việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới. Những sản phẩm từ tấm Zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt Zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt Zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền. Để tạo nên một tấm Zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm đã tạo nên những hệ hoa văn độc đáo. Sản phẩm vải Zèng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Ngày nay, dệt Zèng phát triển hơn, có tính thẩm mỹ cao nên được đồng bào yêu thích. Bà Mai Thị Hợp, chủ cơ sở dệt Zèng ở A Lưới cho biết, những sản phẩm dệt Zèng trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân, nay với đủ hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng như khăn, túi, khố... đi kèm kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt và đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới. Huyện A Lưới hiện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã Phú Vinh, xã Nhâm, xã A Roàng. Một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt Zèng. Với giá từ 600.000 đến 700.000 đồng/tấm Zèng loại thường và từ 1 đến 1,5 triệu đồng loại đính cườm, ngày càng nhiều người theo nghề và sống được với nghề. Bởi, dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi, mỗi người cũng có thể thu nhập được từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ Dự án du lịch tiểu vùng sông Mekong triển khai tại A Lưới, việc hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt Zèng. Đến nay, dự án đã hình thành một số mô hình du lịch tại các thôn A Ka và A Chi, xã A Roàng và thôn A Hưa, xã Nhâm ở huyện A Lưới với các dịch vụ văn nghệ, nấu ăn, hướng dẫn, lưu trú; phát hành ấn phẩm quảng bá tiềm năng du lịch A Lưới, tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng cho người dân, xây dựng nhà nghỉ cộng đồng... thu hút trên 1.600 lượt người tham gia. Khách du lịch đến đây sẽ được tham quan làng, bản, di tích lịch sử, làng nghề dệt Zèng, đan lát; thưởng thức đặc sản ẩm thực, du ngoạn hồ nước nóng, lễ hội, âm nhạc... Đây chính là cách tiếp cận nhanh nhất để giới thiệu và bán các sản phẩm du lịch đặc trưng từ nghề Zèng.

Nghề dệt Zèng ở A Lưới đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm