Giải pháp nâng cao chất lượng và thu hút nguồn nhân lực du lịch

Giải pháp nâng cao chất lượng và thu hút nguồn nhân lực du lịch
Nhân viên tại Khu du lịch Oceanami huyện Đất Đỏ đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Nhân viên tại Khu du lịch Oceanami huyện Đất Đỏ đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh hội tụ đầy đủ tài nguyên tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch. Những năm qua, lượng khách đến tỉnh đã ngày càng tăng mạnh. Năm 2018, Bà Rịa-Vũng Tàu đón hơn 13,5 triệu lượt khách, năm 2019 là hơn 15,5 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch cũng không ngừng tăng trưởng, năm 2018 là hơn 14.200 tỷ đồng và năm 2019 đạt hơn 16.500 tỷ đồng.

Du lịch phát triển tác động làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng mức sống, tạo việc làm bền vững, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu chưa đồng đều, ngành du lịch vẫn trong tình trạng thừa lao động phổ thông nhưng thiếu nhân lực giỏi nghề, tận tâm với nghề. Thông qua Hội thảo sẽ giúp cho các nhà quản lý có cái nhìn toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay, tìm các giải pháp tổng thể, đột phá xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thạc sĩ Dương Mạnh Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, không chỉ ngành du lịch tỉnh mà các doanh nghiệp du lịch cũng cần chủ động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, tay nghề thường xuyên cho người lao động. Mỗi năm, tùy thuộc nhu cầu và xu hướng chung của thị trường, Sở Du lịch cần phối hợp chặt chẽ hơn với các trường đào tạo về du lịch, Ban Quản lý các khu du lịch địa phương, hội nghề nghiệp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động ngành du lịch và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy của trường dạy nghề du lịch cũng cần được điều chỉnh theo hướng sát hơn với thực tế của các địa phương có lợi thế về du lịch; tăng cường ngoại ngữ để sinh viên có đủ kỹ năng làm việc khi ra trường. Để tránh tình trạng thiếu lao động chất lượng cao cho ngành du lịch, các cấp, ngành của Bà Rịa-Vũng Tàu cần có chiến lược bền vững về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng ngày càng nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nhằm đón đầu các dự án đầu tư du lịch và hạn chế sự dịch chuyển lao động trong ngành.

Các chuyên gia, diễn giả đến từ trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhân lực du lịch tại Hàn Quốc và gợi ý cách làm cho Bà Rịa -Vũng Tàu; trao đổi về sự cạnh tranh giữa ngành du lịch các nước ASEAN trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao, những nhân tố tác động và giải pháp đột phá để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, việc dự báo lượng lao động trong tương lai để có chiến lược đào tạo, thu hút phù hợp; ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy, quản lý nhân lực du lịch.
Hoàng Nhị

Có thể bạn quan tâm