Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lâm Nguyên Hải Long - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, QTSC đang nằm trong Top 3 các khu công nghệ tại châu Á và là chỉ dẫn địa lý đáng tin cậy trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của ngành phần mềm tại Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung - QTSC. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN |
Tính đến nay, tại Công viên phần mềm Quang Trung có 150 doanh nghiệp (50 doanh nghiệp nước ngoài) phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và các doanh nghiệp công nghệ thông tin siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động. Thời gian tới, Công viên phần mềm Quang Trung sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tại Việt Nam; hoàn thành thủ tục để triển khai xây dựng Khu phần mềm Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai nhiệm vụ về dự án Công viên phần mềm Quang Trung 2 tại huyện Củ Chi. Ngoài ra, Công viên phần mềm Quang Trung ưu tiên ứng dụng IoT (kết nối vạn vật) để phát triển theo định hướng trở thành mô hình mẫu về đô thị thông minh; triển khai dự án chỉnh trang nội khu để Công viên phần mềm Quang Trung trở thành môi trường làm việc hiện đại và tiện ích ngang tầm các nước ASEAN. Ghi nhận những thành tựu của Công viên phần mềm Quang Trung thời gian qua, đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh trước đây. Bên cạnh đóng góp về thu hút đầu tư và phát triển công nghệ thông tin, Công viên phần mềm Quang Trung đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là các phường lân cận thuộc Quận 12. Hoạt động của Công viên phần mềm Quang Trung thể hiện sự sáng tạo, đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh trong xây dựng cơ chế, chính sách của quốc gia cho các lĩnh vực phát triển.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng quà cho lãnh đạo QTSC. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN |
Về định hướng thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, hướng phát triển của Công viên phần mềm Quang Trung hiện nay rất phù hợp với định hướng phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Công viên phần mềm Quang Trung cần tiếp tục nỗ lực, phải là đơn vị tiên phong trong phát huy, tận dụng các lợi thế cũng như theo kịp xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, hằng năm Công viên phần mềm Quang Trung cần tổ chức diễn đàn riêng để quy tụ các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có uy tín… đến trao đổi, hiến kế góp phần giúp Công viên phần mềm Quang Trung phát triển. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cùng với sự nỗ lực của Công viên phần mềm Quang Trung, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục quan tâm, chú trọng để Công viên phần mềm Quang Trung phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa. Liên quan đến chính sách vĩ mô, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ quan tâm, làm việc với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện và ủng hộ tối đa để Công viên phần mềm Quang Trung phát triển. Sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã đi thăm Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh (TMA Solutions), công ty phần mềm có quy mô lớn thứ 2 Việt Nam với hơn 2.000 kỹ sư, cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, Đoàn còn tham quan Trung tâm Viễn thông (trung tâm dữ liệu đảm bảo thông tin thành phố) của Công viên phần mềm Quang Trung.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng quà và chúc Tết những người trông nom Chùa Nghệ sĩ. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN |
Cùng ngày, đồng chí Võ Văn Thưởng và Đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết tại Chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp), động viên các cô chú làm công tác trông nom chùa và thắp hương tưởng nhớ các nghệ sĩ nổi tiếng, những người có đóng góp rất lớn cho nền nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương. Đồng chí Võ Văn Thưởng hoan nghênh các cô, bác hàng ngày trông nom chùa, để mọi người có thể về tưởng nhớ các nghệ sĩ mình yêu mến, đồng thời là nơi tương trợ cho nghệ sĩ gặp khó khăn khi về già. Đây là việc làm thắm đượm nghĩa tình của người Việt Nam cũng như giới văn nghệ sĩ và những người yêu mến văn nghệ sĩ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thắp hương tại mộ nghệ sĩ Thanh Nga. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN |
Chùa Nghệ sĩ do nghệ sĩ Trương Phụng Hảo (Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há) vận động thành lập và được tiến hành xây dựng vào năm 1969. Hiện Chùa có 16 người tạm trú, trong đó có 12 công quả là nghệ sĩ ở lại chùa và 4 sư thầy. Nghĩa trang Nghệ sĩ trong khuôn viên chùa hiện có hơn 400 phần mộ và trên 300 cốt của các nghệ sĩ, trong đó có nghệ sĩ Phùng Há, Thanh Nga, Minh Phụng, Út Trà Ôn…/.
Tiến Lực