Được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình bán hai vườn keo nguyên liệu thu về hơn 80 triệu đồng để góp thêm, anh Hồ Văn Ngọc ở thôn 3, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, Quảng Nam đã xây được ngôi nhà mới khá khang trang và mua sắm nhiều vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày. Điều đáng mừng là thay vì tổ chức ăn uống linh đình như trước đây, gia đình anh Ngọc chỉ làm một mâm cơm cúng tạ ơn tổ tiên, thần linh vào ngày về nhà ở mới.
Trước đây, mỗi dịp có việc như về nhà mới, các gia đình sẽ tổ chức ăn uống trong nhiều ngày. Uống rượu nhiều, không ít người cao tuổi nằm vạ vật ở ngoài đường, thanh niên đánh nhau làm mất trật tự, đoàn kết trong thôn. Vì phải đãi thực khách trong nhiều ngày nên chủ nhà mổ gia súc, gia cầm. Kết thúc đợt ăn mừng nhà mới, chủ nhà phải gánh món nợ lớn, nhiều người trả hàng chục năm chưa hết nợ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình đồng bào trong thôn không thoát được nghèo. Thời gian gần đây, các gia đình về nhà mới nhưng không tổ chức ăn uống nhiều ngày, gây tốn kém như trước đây, anh Ngọc chia sẻ.
Bà Hồ Thị Não, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 3 cho biết, khu dân cư thôn 3 có 235 gia đình, với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo kết quả điều tra, rà soát tại thôn 3 đến cuối năm 2024, trong thôn còn 13 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. Trên địa bàn thôn có một Trường Tiểu học liên xã Chánh Công, Phòng khám đa khoa khu vực xã Phước Chánh, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ sinh hoạt, hội họp và tổ chức các ngày lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào.
Theo Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 3 Hồ Thị Não, ở vùng sâu, vùng xa, tập tục lạc hậu vẫn còn. Trước đây, mỗi dịp như về nhà mới, bà con thường tổ chức ăn uống trong nhiều ngày, rất tốn kém. Từ ngày thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tập tục lạc hậu, trong đó việc tổ chức ăn uống nhiều ngày khi gia đình có việc giảm hẳn. Chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể cũng đã kiên trì vận động bà con bằng nhiều hình thức.
Điển hình, trong năm 2024, thôn 3 có 139 hộ đồng bào được hỗ trợ kinh phí làm nhà, trong đó có 40 hộ xây nhà mới, 99 hộ sửa chữa nhà từ nguồn kinh phí của Nhà nước theo Quyết định 90 của Chính phủ (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) và Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND Quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025) với tổng số tiền được Nhà nước hỗ trợ lên đến gần 5,4 tỷ đồng, chưa kể nguồn vốn đóng góp của mỗi hộ. Đến nay, phần lớn trong số 139 ngôi nhà làm mới và sửa chữa ở thôn 3 đã hoàn thành, bà con về nhà ở mới nhưng không gia đình nào tổ chức ăn uống đông người và nhiều ngày, gây tốn kém như trước đây, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 3 phấn khởi chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Phước Chánh Hồ Văn Huy cho biết, khu dân cư thôn 3 là điển hình trong vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn nét văn hóa truyền thống và công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Năm 2024, thôn 3 vận động 105 hộ đăng ký thoát nghèo, duy trì 4 tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với 174 hộ tham gia, nâng tổng số vốn vay lên hơn 11 tỷ đồng. Đồng thời vận động 105 người tham gia lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm do xã tổ chức, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài đầu tư trồng rừng nguyên liệu, thôn 3 có 3 nhóm gồm 60 hộ chăn nuôi bò sinh sản với 200 con bò giống, 5 nhóm hộ chăn nuôi lợn với 30 con lợn nái sinh sản. Nhiều hộ chủ động đăng ký thoát nghèo bền vững.Trong năm 2024, thôn 3 có 49 hộ thoát nghèo, 43 hộ ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Xã Phước Chánh xét công nhận thôn 3 có 233/235 hộ đạt gia đình văn hóa năm 2024, 90 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền, 65 hộ đạt gia đình văn hóa 5 năm liền và 1/3 tổ dân cư trong thôn đạt danh hiệu Tổ đoàn kết xuất sắc.
Theo Chủ tịch UBND xã Phước Chánh, trong năm tới, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia, xã tiếp tục đầu tư xây dựng công trình nước sạch để 100% hộ dân thôn 3 được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, 100% hộ cam kết bảo vệ môi trường và xử lý rác thải đúng nơi quy định. Đồng thời, vận động 100% học sinh trong độ tuổi ra lớp, không có em bỏ học, khu dân cư không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, không có trường hợp tảo hôn. Những cách làm mới mẻ, hiệu quả của thôn 3 trong tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, công tác giảm nghèo bền vững và xóa bỏ hủ tục lạc hậu sẽ được chính quyền địa phương nhân rộng trong thời gian tới.
Đoàn Hữu Trung