Đồng bào bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) tổ chức buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng |
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần, đồng bào ở các địa phương đã chủ động đóng góp công sức, kinh phí để tổ chức lễ hội. Đơn cử như đồng bào M’nông ở bon Sa Nar B, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã cùng góp tiền của để tổ chức lễ cúng bon cũ.
Theo anh K’Tang, Trưởng bon Sa Nar B, các lễ hội truyền thống của người M’nông có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh. Vì vậy, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng đồng bào rất tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, phục dựng lễ hội.
Sau khi nghe phổ biến kế hoạch tổ chức lễ cúng bon cũ, bà con ai cũng vui vẻ hưởng ứng, cùng nhau góp công, góp của để tổ chức thực hiện, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền. Còn ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp), bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền địa phương, đồng bào cũng sẵn sàng đóng góp tổ chức lễ cúng thần rừng…
Anh K’Lanh, Trưởng bon Pi Nao cho biết: Đối với người M’nông, rừng là nơi trú ngụ của thần linh và các vị thần đó đã che chở cho bon làng, giúp con người, súc vật luôn mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu. Bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống tâm linh là của đồng bào thì cả cộng đồng chung sức cùng làm, mới thể hiện được cái tâm, mới thật sự có ý nghĩa.
Cùng với việc chung tay góp sức với cộng đồng thực hiện tốt các nghi lễ, lễ hội thì nhiều cá nhân, gia đình đã tự mua máy quay phim, máy ảnh để ghi lại những nét đẹp sinh hoạt cộng đồng của dân tộc mình. Ông K’Wơn ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã bỏ công sức, thời gian đi quay phim, lưu giữ các nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mạ.
Theo ông K’Wơn, văn hóa truyền thống của người Mạ rất phong phú và đa dạng, nhưng với sự phát triển của xã hội nên cũng đang ngày bị mai một dần. Do đó, mỗi khi bon làng tổ chức lễ hội, ông đều ghi lại hình ảnh khá đầy đủ. Lúc rảnh rỗi, ông cùng con cháu mở ra xem lại rồi phân tích để chúng hiểu từ những cái truyền thống cho đến sự đổi thay. Ông chỉ và giải thích từng cảnh, từng nghi lễ để nói cho con cháu hiểu nghi lễ đó khác ngày xưa như thế nào.
Hay như chị Thị Mai ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) cũng đã đầu tư mua máy ghi âm, radio, băng catset để ghi lại những lời nói vần, sử thi, món ăn của dân tộc mình. Nhờ các công cụ này mà chị đã biên dịch, sưu tầm hàng ngàn câu sử thi, hơn 100 món ăn và hàng ngàn câu tục ngữ của người M’nông.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao và thấm sâu trong suy nghĩ của mỗi người dân. Nhiều hoạt động lễ hội ở các bon làng do chính người dân tự đứng ra tổ chức để có thêm môi trường sinh hoạt văn hóa.
Bằng nhiều cách, hàng trăm nghệ nhân, những người am hiểu về bản sắc truyền thống đang âm thầm đóng góp công sức để duy trì hoạt động văn hóa, trao truyền cho các thế hệ. Hiện tại, các địa phương đã tiến hành sưu tầm, phục dựng hơn 40 lễ hội lớn, nhỏ của đồng bào các dân tộc và một số ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… được gìn giữ, lưu truyền./.
Báo Đắc Nông