Bí thư tỉnh Ủy Lai Châu, bà Giàng Páo Mỷ thừa ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các cá nhân là người dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Đại hội đặt mục tiêu giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh sẽ có trên 60% lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; tỷ lệ giảm nghèo đạt từ 3 - 4%/năm; thu nhập bình quân tăng từ 1,5 đến 2 lần so với hiện nay. Tỉnh giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất; phấn đấu đến năm 2024 có 50% số xã trở lên được công nhận nông thôn mới... Đại hội đã thống nhất lựa chọn 33 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II năm 2020. Phát biểu tại Đại hội, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Bà Hoàng Thị Hạnh khẳng định sự đóng góp tích cực của mỗi thôn, bản, mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã tạo nên sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đưa Lai Châu tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường phát triển.
Quang cảnh Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu lần thứ III. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Bà Hoàng Thị Hạnh cho rằng, đề án "Tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn" với sự tích hợp hệ thống chính sách dân tộc sẽ khắc phục được cơ bản những tồn tại, hạn chế hiện nay trong thực hiện các chính sách dân tộc. Đây sẽ là một bước đệm để nâng cao đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Lai Châu là tỉnh biên giới Tây Bắc với 20 dân tộc cùng sinh sống xen kẽ trên địa bàn 8 huyện, thành phố, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% tổng dân số của tỉnh. Năm năm qua, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các chương trình 30a, 135; đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống, Mảng, La Hủ theo Quyết định 1672 của Thủ tướng Chính phủ... đã góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt, đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Nỗ lực của đồng bào các dân tộc đã góp phần đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%/năm. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4,7%/năm. Năm 2018, địa phương đã có hai huyện được Chính phủ công nhận thoát nghèo là Tân Uyên và Than Uyên. Đến nay, Lai Châu đã có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 95/96 xã có đường giao thông đến trung tâm đi được bốn mùa; trên 97% thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận lợi... Cư dân biên giới đã ý thức cao trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 9 cá nhân người dân tộc thiểu số của tỉnh có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân tộc; tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể, 2 cá nhân; Ủy ban Dân tộc Chính phủ tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 17 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 78 cá nhân.
Quý Trung