Đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới

Đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới
Ảnh minh họa - TTXVN
Ảnh minh họa - TTXVN

Theo ông Tô Ngọc Tuấn, Phó Chánh văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng, đến giữa năm 2017, tỉnh Sóc Trăng đã có 21/80 xã nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 58 xã còn lại đạt từ 9 đến 18/19 tiêu chí. Thành công lớn nhất trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng chính là công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân đã phát huy hiệu quả. Ban chỉ đạo các cấp đã xác định phải dựa vào dân là chính và công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Nhờ vậy, chỉ trong năm 2016, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình của tỉnh đạt gần 2.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh còn vận động nhân dân đóng góp trên 9.000 ngày công lao động, hiến 14.435 m2 đất, tu sửa và làm mới trên 41.000 m đường giao thông nông thôn và hàng chục cây cầu nông thôn… Người dân các dân tộc đã có ý thức cao và phát huy được vai trò chủ thể của mình góp phần cùng với địa phương thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, giúp tỉnh xây dựng khá hoàn chỉnh về hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường khu vực nông thôn thường xuyên được chăm lo; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 15,32%, có 89,6% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa... Công tác vệ sinh môi trường và nhà ở được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân ở nông thôn Sóc Trăng.

Có dịp trở lại những địa bàn có đông đồng bào Khmer ở Sóc Trăng, nhất là những xã được tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ai cũng nhận thấy những đổi thay nhanh chóng của vùng quê vốn trước đây là địa bàn nghèo khó. Bây giờ, trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, chợ, nước sạch, điện… đã được Đảng và Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh. Đặc biệt, những ngôi nhà tường khang trang của đồng bào Khmer trên những con đường mới đua nhau mọc lên.

Tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, vài năm trước là xã đặc biệt khó khăn, với trên 40% dân số là đồng bào Khmer, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 33%; trường học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông chưa có... Nhưng đến nay, bằng sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cấp ủy và chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo đã khơi dậy được nội lực trong nhân dân, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫm, Chủ Tịch UBND xã Lịch Hội Thượng: Ngay từ khi triển khai thực hiện, xã đã xác định đường giao thông nông thôn, thủy lợi là quan trọng nhất để phát triển kinh tế địa phương, mà muốn làm được điều đó thì phải dựa vào dân. Vì vậy, xã tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khi bà con hiểu thì cùng chung tay với địa phương thực hiện. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Đặc biệt, người dân trong xã đã chủ động tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, trồng giống lúa chất lượng cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao...

Cũng là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn có gần 45% dân số là đồng bào Khmer, nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị cũng đã sớm hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới, vùng quê Lâm Tân đã thật sự đổi thay trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, chợ nông thôn, trạm y tế, trường học, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi… đều được xây dựng hoàn chỉnh, khang trang. Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa có sự phát triển rõ rệt cả năng suất, chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Dạng - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Tân cho biết: Thành công lớn nhất của xã chính là nhờ vào sự ủng hộ của người dân, người dân đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, ngày công… để công trình nông thôn đi tới đâu hoàn thành tới đó. Lâm Tân là xã thuần nông, chính quyền địa phương đã xác định phải xây dựng hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất để dễ dàng chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, công ty để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, cả tổ hợp tác và hợp tác xã đều hoạt động hiệu quả, đa số bà con trồng giống lúa thơm, lúa đặc sản và có ký kết hợp đồng với công ty nên năng suất, lợi nhuận cao. Cuộc sống của bà con nâng lên, góp phần cùng với địa phương giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Với phương châm ‘‘Nhà nước và nhân dân cùng làm“, trong từng địa phương ở Sóc Trăng cũng có những cá nhân điển hình trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Nổi bật có Đại đức Lâm Hiệp - Trụ trì chùa Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành đã rất tích cực trong công tác vận động bà con Khmer và các nhà hảo tâm xây dựng công trình nông thôn. Đến nay, Đại đức đã vận động hàng trăm triệu đồng để xây dựng 1 cầu bê tông, 1 km đường đan, đổ đá cấp phối hơn 7 km vào phum sóc vùng sâu có đông bà con Khmer.

Đại đức Lâm Hiệp cho biết: Nhờ Nhà nước có nhiều chính sách giúp đỡ cho hộ Khmer nghèo nên đời sống đã nâng lên, vùng quê không còn nhà lá như trước. Còn đường giao thông nông thôn chính được Nhà nước xây dựng, chỉ còn một số đường nhỏ Nhà nước chưa đầu tư kịp nên sư vận động bà con phật tử, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng để bà con đi lại dễ dàng.

Giống như Đại đức Lâm Hiệp, ông Lâm Chel ở ấp Phú Ninh, xã An Ninh cũng đã tích cực vận động bà con phum sóc cùng nhau đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng 3 cây cầu bê tông, gần 3.000m đường đan, xây dựng hàng rào, cột cờ… Theo ông Chel “Xây dựng quê hương sạch đẹp, đi lại dễ dàng là phục vụ lợi ích cho chính bà con, nên khi cuộc sống khá lên, chúng tôi đi vận động là bà con ủng hộ, đóng góp và cùng nhau xây dựng. Nhờ vậy, tất cả các con đường vào khu dân cư của ấp đều được lót đan, xe chạy đến tận nhà”./.
Trung Hiếu

Có thể bạn quan tâm