Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới từ sức mạnh đoàn kết (Bài 1)

Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới từ sức mạnh đoàn kết (Bài 1)

Công tác xây dựng nông thôn mới tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện hiệu quả nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 4 bài viết chủ đề: Làng quê Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới, đời sống nâng lên từ sức mạnh đoàn kết.

Bài 1: Ý Đảng, lòng dân hòa chung một nhịp

Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hiện thực hóa chủ trương này bằng những việc làm cụ thể, phát huy nội lực, khơi dậy sức dân từ sự đồng thuận, nhiều làng quê ở Đồng bằng sông Cửu Long mang diện mạo, sức sống mới, góp phần khẳng định ý Đảng, lòng dân hòa chung một nhịp. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân chung sức, đồng lòng chính là động lực, sức mạnh vượt khó khăn, trở ngại.

Hiểu rõ sẽ đồng lòng

Đi trên con đường đoạt giải Nhất Cuộc thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Sóc Trăng năm 2022” dài hơn 1,5 km chạy xuyên qua ấp, ngắm những khóm hoa huỳnh anh nở vàng rực rỡ hai bên đường, ánh mắt ông Trương Văn Khởi (70 tuổi, ngụ ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên) tràn ngập niềm vui. Ông chia sẻ, có được kết quả này, bà con phấn khởi lắm. Đường mở rộng, tôn lên cao. Hai bên đường trồng hoa, lắp đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng ban đêm, làng quê đẹp hẳn. Có con đường thuận tiện, thương lái về thu mua lúa, tôm không còn lấy cớ để ép giá nông sản, bà con thu nhập cao hơn. Con trẻ đến trường, người dân đi lại thuận lợi hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới từ sức mạnh đoàn kết (Bài 1) ảnh 1Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Theo ông Khởi, lúc đầu, chủ trương mở đường nông thôn qua các ấp, xây dựng nông thôn mới nâng cao của Đảng ủy xã Gia Hòa 1 còn khiến một số hộ dân băn khoăn làm con lộ rộng ra, trồng hoa cho đẹp có hình thức quá không. Được cán bộ xã, ấp, đại diện các đoàn thể giải thích, ai cũng hiểu mở đường là mở hướng đi cho chính mình. cuộc sống người dân. Con đường được trồng hoa tạo cảnh quan ấp thêm đẹp, xanh, bà con gắn bó hơn với xóm ấp. Gia đình ông Khởi tự nguyện hiến 1.000 m2 đất mở rộng con đường chạy qua ấp, góp 2 triệu đồng lắp đèn năng lượng mặt trời thắp sáng đường quê.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Hòa 1 Võ Văn Đảo khẳng định, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chú trọng tuyên truyền, vận động bà con hiểu xây dựng nông thôn mới nâng cao, các tiêu chí đòi hỏi cao hơn cũng vì mong muốn đời sống vật chất là tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, tạo thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, hiện 8/8 ấp đều có tuyến đường kiểu mẫu, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Tại Kiên Giang, huyện Tân Hiệp từng là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tạo sự đồng thuận, huy động sức dân để chăm lo cho dân, thực hiện tiêu chí của nông thôn mới nâng cao là giải pháp nhiều địa phương thực hiện.

Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới từ sức mạnh đoàn kết (Bài 1) ảnh 2 Đường giao thông nông thôn ở xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Kênh 5A (xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) chia sẻ, năm 2022, ấp còn một số tuyến giao thông nông thôn qua địa bàn chưa có hệ thống đèn chiếu sáng. Nhiều gia đình chưa làm hàng rào dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông xảy ra, đi lại vào ban đêm chưa đảm bảo an toàn do bị hạn chế tầm nhìn.

Từ thực trạng đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã cùng Ban Nhân dân ấp, Ban Công tác Mặt trận ấp phối hợp vận động để nhân dân hiểu sự cần thiết và lợi ích của thực hiện thắp sáng đường quê, đem lại cuộc sống thuận lợi hơn cho từng gia đình. Nếu không đoàn kết, không đồng lòng, người dân trong ấp không thể đóng góp được trên 300 triệu đồng xây dựng mới hệ thống đèn thắp sáng đường qua ấp dài 2 km, lắp đặt 20 camera theo dõi tình hình an ninh trật tự, có máy chủ giám sát. Đồng tâm, nhất trí, các hộ trên tuyến còn thống nhất làm hàng rào đồng bộ, vừa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho xóm ấp, vừa tránh hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông.

Đảng viên tiên phong

Để huy động được sức dân từ sự đồng thuận, đoàn kết, qua đó, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới nâng cao, tại nhiều xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long nổi bật tinh thần gương mẫu, đi đầu của các đảng viên, góp phần tập hợp người dân cùng thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới từ sức mạnh đoàn kết (Bài 1) ảnh 3Ông Nguyễn Thành Đấu, Bí thư Chi bộ ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Minh Hưng - TTXVN

Ông Nguyễn Thành Đấu, Bí thư Chi bộ ấp Trung Hòa (xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) là một trong những đảng viên đi đầu hiến đất mở rộng đường nông thôn đi qua ấp. Ông chia sẻ, vận động người dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảng viên không chỉ “tuyên truyền suông”. Là Bí thư Chi bộ, ông cùng gia đình hiến trên 500 m2 đất và nhiều cây lâu năm xây dựng đường nông thôn. Ông chủ động tìm mua cây giống hoa huỳnh anh, đưa về nhân rộng trên tuyến đường kiểu mẫu đi qua ấp Trung Hòa, cung cấp cây hoa, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cho các địa phương khác có nhu cầu. Tương tự, Phó Bí thư Chi bộ ấp Trung Hòa Ngô Văn Thọ cùng gia đình hiến trên 900 m2 mở rộng mặt đường từ 2m lên 3m, đồng thời tôn cao nền đường.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Gia Hòa 1 Võ Văn Đảo cho hay, quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản cụ thể, phân công cấp ủy chỉ đạo Chi bộ các ấp thực hiện từng mục tiêu, kịp thời lắng nghe ý kiến đóng góp từ Mặt trận Tổ quốc và tổ chức, đoàn thể thành viên có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.

Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới từ sức mạnh đoàn kết (Bài 1) ảnh 4Các đảng viên xã Gia Hòa 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã hiến đất để làm tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Minh Hưng - TTXVN

Gia Hòa 1 là vùng quê thuần nông, có đặc điểm 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước lợ. Do đó, Đảng ủy, UBND xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân giữ vững mô hình tôm - lúa, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu. Đồng thời, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh và phát triển dịch vụ, gắn với đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 69,7 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,3%. Đón năm mới 2024, kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Gia Hòa 1 đón niềm vui ý nghĩa trở thành xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh Sóc Trăng.

Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Từ thực tế địa phương, con kênh đi qua các ấp, nếu không được làm kè, gia cố dễ bị sạt lở, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và đời sống người dân. Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thống nhất chủ trương vận động người dân tiến hành kè đoạn kênh đi qua trước nhà.

Theo ông Phạm Thanh Kiệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạnh Đông A, thoạt đầu, một số hộ dân còn có tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đến từng hộ gia đình, giải thích, huy động sự đóng góp của nhân dân. Đảng viên gương mẫu kè bờ các đoạn kênh đi qua đoạn đường trước nhà, đề phòng sạt lở. Cùng với thi đua lao động sản xuất 2 - 3 vụ lúa mỗi năm để tạo cảnh quan đẹp cho xóm, ấp, các gia đình đảng viên tích cực trồng cây hoa, cây cảnh trước nhà, động viên những hộ cùng trên tuyến đường tỉa hàng rào, cổng vào nhà, tạo nên cổng, hàng rào được uốn, tỉa công phu rất đẹp mắt.

Bà Trần Thị Đào, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Kênh 7A (xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp) cho biết, 19/19 đảng viên trong Chi bộ đều gương mẫu kè kênh, góp phần giữ đất, chống sạt lở. Đến nay, tuyến kênh đi qua ấp đã kè xong 95%, góp phần chống sạt lở hiệu quả.

(Còn tiếp - Bài 2: Phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập)

Trà Hiếu Hải - Hưng Phi


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm