Nhờ sự quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương mà gia đình ông Phạm Văn Dũng (phải), ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình vươn lên thoát nghèo. |
Năm 2015 là năm đáng nhớ đối với gia đình ông Phạm Văn Dũng, ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình, bởi gia đình đã thoát nghèo. Không có đất đai canh tác, lại có 3 người con nên cái nghèo đã bám lấy gia đình ông suốt mấy năm qua. Trong năm nay, gia đình ông được hỗ trợ nguồn vốn vay 20 triệu đồng. Số tiền này được gia đình đầu tư vào chăn nuôi vịt. Bên cạnh đó, lúc rảnh rỗi, ông Dũng và người con gái còn đi làm thuê, nên cuộc sống gia đình dần được ổn định. Ông Dũng cho biết: “Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã giúp gia đình vượt qua nghèo khó. Chúng tôi sẽ cố gắng lao động để không tái nghèo và có được cuộc sống tốt hơn”.
Gia đình ông Dũng là 1 trong 7 hộ đã thoát nghèo trong năm nay ở xã Long Bình. Hiện tại, địa phương này còn 142 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,47% số hộ dân trong toàn xã.
Khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Long Mỹ, xã Long Bình cũ được chia thành phường Vĩnh Tường, phường Bình Thạnh và xã Long Bình hiện nay. Theo đó, xã Long Bình hiện có 3 ấp và đều là những ấp còn nhiều khó khăn. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa là cây trồng chủ lực. Đáng chú ý là hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã còn nhiều yếu kém, nên việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con gặp không ít trở ngại. Theo UBND xã Long Bình, số thanh niên trên địa bàn xã đi làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bình Phước còn khá nhiều, bởi họ không thể tìm được việc làm ổn định tại nơi “chôn nhau cắt rốn”. Ông Trịnh Phước Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Bình, cho biết: “Hộ nghèo trên địa bàn xã đa phần đều thiếu đất đai canh tác hoặc là gia đình có người già yếu, bệnh tật, nên để họ vươn lên thoát nghèo là chuyện không hề dễ dàng. Đó là điều mà chúng tôi rất trăn trở và sẽ cố gắng thực hiện nhiều giải pháp để nâng dần cuộc sống của bà con”.
Theo UBND xã Long Bình, trên địa bàn xã hiện còn không ít diện tích vườn tạp kém hiệu quả. Vì vậy, giải pháp trước mắt mà địa phương này tập trung thực hiện là vận động bà con chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, như: cam, quýt, bưởi... để tăng thêm thu nhập. Song song đó, địa phương sẽ phối hợp với ngành chức năng tuyến trên để tạo điều kiện về nguồn vốn vay cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Ngoài ra, công tác vận động mạnh thường quân cất nhà tình thương cho hộ nghèo, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cũng được địa phương quan tâm thực hiện.
Dự kiến, thời gian tới, lãnh đạo xã sẽ có những buổi đối thoại với hộ nghèo. Ông Trịnh Phước Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Bình, chia sẻ: “Đây là việc làm cần thiết để chúng tôi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nhằm có hướng giúp đỡ. Là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực để chăm lo cho hộ nghèo. Chúng tôi đã có kiến nghị và mong cấp trên sớm đầu tư mạng lưới giao thông trên địa bàn xã. Bởi một khi giao thông thông thoáng sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân phát triển sản xuất”.
Điều đáng mừng là nhiều hộ nghèo của xã Long Bình hiện nay luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Bà Lý Thị Dung, hộ nghèo ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình, cho biết: “Tôi bị bệnh từ nhiều năm nay, gia đình chỉ có 2 công vườn tạp, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tặng quà nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả phần nào. Thời gian tới, gia đình sẽ cố gắng làm ăn để thoát nghèo, chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của mọi người”.
Sự quyết tâm của chính quyền địa phương cộng với ý chí vươn lên của hộ nghèo sẽ là nền tảng quan trọng để công tác giảm nghèo ở xã Long Bình đạt được bước đột phá trong thời gian tới.
Báo Hậu Giang