Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bình Thuận

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bình Thuận

Bình Thuận là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Thuận đang dần thay da đổi thịt.

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bình Thuận ảnh 1Gìn giữ điệu múa dân vũ đặc trưng của dân tộc K’ho ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Đông Giang là một trong 3 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc với phần lớn là đồng bào K’ho, Raglai sinh sống. Từ khi đèo Đông Giang được hạ thấp độ cao, mở rộng 2 làn xe cùng với hệ thống an toàn giao thông tốt hơn, tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc đến với xã Đông Giang dường như được rút ngắn. Xe cộ có thể chạy bon bon trên đường nhựa đến thẳng trung tâm xã. Xe vận chuyển nông sản của bà con có thể vào tận thôn, xóm. Trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trường học, nhà văn hóa… được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch sẽ. 100% hộ dân đều có điện thắp sáng…

Sự quan tâm đầu tư về hạ tầng, giao thông đã tạo đà vực dậy một vùng cao nghèo khó, góp phần giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Nếu như trước đây, người K’ho, Raglai ở địa phương gặp nhiều khó khăn về kinh tế do tập quán sản xuất lạc hậu cùng với sự thiếu thốn của hệ thống thủy lợi, giao thông. Những năm gần đây, thông qua Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ và nhiều chương trình khác, địa phương tập trung đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, kiên cố kênh mương, xây dựng hồ Sa Lôn… Cùng với đó, các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, nhiều hộ nghèo ở đây đã cải tiến phương thức trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững.

Anh K’ Văn Tính là một điển hình của sự cần cù, chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo ở xã Đông Giang. Trước đây, gia đình anh trồng lúa, hoa màu, làm vườn nhưng hiệu quả không cao. Để có được thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm như hiện nay, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 3 ha cây cao su, điều, keo lá tràm, bắp lai… Đặc biệt, không chỉ chú trọng chuyển đổi cây trồng với các loại giống mới, gia đình anh Tính còn nuôi hơn 50 con heo đen - đặc sản Đông Giang; nuôi thêm bò, gà, dê.

Ông K’ Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Giang cho biết, ngoài các cây trồng chủ lực như lúa, bắp, đậu xanh, hiện nay, Đông Giang đã hướng người dân chuyển đổi 10 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả, đất bạc màu sang các trồng sầu riêng, mít, bưởi, chuối kết hợp nuôi heo đen… Bước đầu, cách làm này mang lại hiệu quả, con nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Năm 2023, xã Đông Giang đã thực hiện vượt 110% chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo do huyện đề ra, với 49 hộ thoát nghèo. Trong thời gian tới, xã tiếp tục hướng dẫn người dân chuyển đổi một số diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng mía. Để góp phần tăng thu nhập cho nông dân, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, chính quyền địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản xuất mía với diện tích dự kiến 40ha. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây, thực hiện mô hình mới cho bà con; hình thành thói quen áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ ở Đông Giang, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác ở Bình Thuận đã ghi dấu sự đổi thay về cơ sở hạ tầng thiết yếu; kịp thời, phù hợp với chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng dân tộc thiểu số.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã, có điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp. Tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, 17 xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, các địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế bằng mô hình cụ thể như: hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản, gà thả vườn, cây ăn trái… cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nông cụ sản xuất, mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… Cùng với đó, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con trong sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ miền núi, toàn tỉnh đã xây dựng 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số xen ghép. Các cửa hàng, đại lý này cung ứng kịp thời mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của đồng bào với tổng giá trị trên 16 tỷ đồng/năm.

Các chủ trương, chính sách dân tộc tại Bình Thuận đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tạo sức bật giảm nghèo bền vững cho những vùng đất nghèo khó xưa.



Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm