Nhờ những chính sách hỗ trợ trong phát triển kinh tế, mà các xã biên giới của tỉnh Lai Châu ngày một khởi sắc, người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.
Cách trung tâm thành phố Lai Châu gần 100km, xã biên giới đặc biệt khó khăn Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ (Lai Châu) vào những ngày tháng 6, không khí trong lành, mát mẻ và yên bình, khác hẳn với cái nóng gay gắt ở miền xuôi. Dọc đường từ trung tâm xã Pa Vây Sử đến bản Hang É, người dân ai nấy cũng phấn khởi trước sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hộ và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt là không khí hăng say lao động sản xuất vụ mùa của bà con nơi biên cương Tổ quốc rất nô nức, tấp nập với tiếng nói cười khúc khích, hy vọng một mùa bội thu.
Dẫn chúng tôi xuống thăm mô hình phát triển kinh tế của các hộ dân, ông Sùng A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử cho biết, xã có đường biên giới dài hơn 6 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và có 6 bản, với 430 hộ dân, gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế, thu nhập của nhân dân thấp, cùng đó hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa thôn chưa có...
Đứng trước những khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền xã Pa Vây Sử đã tập trung chỉ đạo ban hành nghị quyết, chương trình hành động giảm nghèo. Đồng thời, phân công, gắn trách nhiệm của các cán bộ, công chức xã trực tiếp phụ trách các thôn bản để thực hiện các tiêu chí giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ghé thăm mô hình trồng đào, lê của gia đình ông Mùa A Sình, bản Hang É, xã Pa Vây Sử, chúng tôi thấy những cây đào, cây lê đang sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình ông Sình hiện có gần 100 cây lê trồng được 4 năm và gần 100 cây đào trồng được 2 năm. Đối với cây lê năm nay là năm thứ hai cho ra quả, còn đây đào ông trồng chủ yếu để bán cành vào dịp Tết.
Ông Mùa A Sình phấn khởi nói, cây lê và đào nằm trong dự án được hỗ trợ về giống, đây là loại cây mới bước đầu đem lại thu nhập cho gia đình ông. So với trồng lúa, ngô trước đây, loại cây này cho năng suất gấp 2-3 lần. Cùng với trồng trọt ông kết hợp thêm chăn nuôi, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình được 60-70 triệu đồng, giúp đời sống gia đình ông ngày cải thiện và xây dựng nhà cửa khang trang hơn.
Còn gia đình anh Sùng A Chảo, bản Hang É trồng 20 gốc đào, 20 gốc lê được 3 năm. Năm nay là năm đầu cây lê cho thu hoạch quả nên vợ chồng anh Chảo rất vui mừng vì sắp có thêm khoản thu nhập. Anh Chảo chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay, mọi năm ngoài việc cấy lúa, trồng ngô, mỗi năm cũng thu được 30 bao thóc, 10 bao ngô. Kết hợp nuôi 2 con trâu để lấy sức kéo cày ruộng và nuôi vài chục con gà, vịt để phục vụ lương thực, thực phẩm hàng ngày cho gia đình. Cuộc sống cứ mãi như vậy nên kinh tế gia đình không phát triển được. Anh hy vọng 1-2 năm nữa từ cây đào, cây lê giúp gia đình anh sẽ thoát nghèo”.
Hiện toàn xã Pa Vây Sử có hơn 34 ha thảo quả, gần 36 ha cây ăn quả, 150 ha chè cổ thụ và gần 2 nghìn con gia súc... Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã trong việc tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, mà đời sống của người dân từng bước được nâng lên, diện mạo xã biên giới Pa Vây Sử có nhiều đổi thay. Hết năm 2020, xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm hơn 7%, hiện xã còn 52,94% tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2021, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 45%, thu nhập bình quân đạt 15,5 triệu đồng/người/năm.
Ông Lê Văn Chiều, Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử cho hay, với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Đảng ủy và chính quyền xã luôn trăn trở làm thế nào để người dân thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Nhận thấy xã có khí hậu mát mẻ quanh năm, là điều kiện để trồng các loại cây ăn quả và cây đào, nên trong nhiệm kỳ mới xã tập trung phát triển cây ăn quả, cây đào hướng đến xây dựng mô hình trải nghiệm du lịch. Xã đã tuyên truyền và được người dân ủng hộ cao, hiện bà con đã lấy hạt về ươm giống, chiết, ghép cành đào. Xã dự kiến sẽ trồng khoảng 4 nghìn cây đào dọc tuyến đường trung tâm xã đến các bản và ở những khu đất trống, bỏ hoang, với mục tiêu “Pa Vây Sử - rừng hoa đào, mùa Xuân về - tiền bỏ túi”.
Rời xã Pa Vây Sử chúng tôi tiếp tục tới thăm xã biên giới Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Toàn xã có 7 bản với hai dân tộc Dao và Hà Nhì sinh sống chủ yếu. Nhiều năm qua, xã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư xây dựng của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình 30a, 135 đã giúp người dân thay đổi cuộc sống. Xã đã rà soát những hộ nghèo được hưởng chế độ chính sách để hỗ trợ người dân về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp; chủ động tuyên truyền bà con nhân dân thay đổi hình thức canh tác, chú trọng hơn đến việc đầu tư thâm canh. Từ đó, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Theo anh Chẻo Lao U, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải, nhờ những chính sách trong phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) mà đời sống của bà con từng bước được cải thiện, thu nhập cũng tăng đáng kể. Nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, buôn bán hàng hóa mà thoát được nghèo, vươn lên làm giàu. Hết năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt 17,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 34,37%.
Chị Chẻo U Mẩy, bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải chia sẻ, với lợi thế nhà ở trung tâm xã nên chị đã chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ trồng lúa, ngô sang buôn bán hàng hóa và chăn nuôi lợn. Mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 100-150 triệu đồng. Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn trước.
Giai đoạn 2016-2020, huyện Phong Thổ được đầu tư gần 2.090 tỷ đồng để xây dựng 485 công trình thuộc các hạng mục đường giao thông, thủy lợi, trường lớp học, cấp nước sinh hoạt.... Hàng năm, hỗ trợ cho hơn 30 nghìn hộ dân về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuồng trại, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển rừng, khoán chăm sóc bảo vệ rừng...
Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn khẳng định, thông qua các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững và đảm bảo an ninh - chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia. Diện mạo nông thôn của huyện biên giới Phong Thổ ngày một khởi sắc. Người dân được giải quyết cơ bản nhu cầu về giao thông, nước sinh hoạt và sản xuất; từng bước giúp nhân dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn.
Năm 2020, toàn huyện có gần 1.000 hộ thoát nghèo, thu nhập bình quân tăng từ 15 triệu đồng/người (năm 2015) lên 28 triệu đồng/người (năm 2020). Thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục lồng ghép linh hoạt hiệu quả chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu, rộng đến các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên.
Bên cạnh đó, tăng cường, luân chuyển cán bộ của huyện xuống xã làm nhiệm vụ giảm nghèo, kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại chỗ.
Việt Hoàng – Đinh Thùy