Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Theo đó, các chương trình dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị đã góp phần nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị; tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh miền núi, ven biển - những địa bàn trước đây còn có nhiều khó khăn.
Điển hình phải kể đến Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 đã được triển khai giai đoạn 2 (2016-2020). Cùng đó, Chương trình nâng cấp đô thị 7 tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2015-2020 đã được triển khai hiệu quả với 18/41 hạng mục đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Hiện Chương trình nâng cấp 6 đô thị Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2012-2018 gồm Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đấu thầu, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng... (đã trao thầu 240/259 gói thầu).
Với riêng Chương trình này, các tiểu dự án hiện đang tập trung vào việc tổ chức thi công, hoàn thành các hạng mục như: nâng cấp các khu nghèo đô thị (LIA); hệ thống hạ tầng cấp 1,2 kết nối các khu nghèo; cải thiện hệ thống cấp thoát nước, kênh mương, đầu tư khu tái định cư... theo thiết kế của dự án
Đáng chú ý, công tác nâng cấp, nâng loại đô thị có nhiều đổi mới theo quy định của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Theo Bộ Xây dựng, việc đánh giá phân loại đô thị toàn diện hơn, ngoài khu vực nội thành còn đánh giá cả khu vực ngoại thành. Yêu cầu đánh giá phân loại đô thị cũng cao hơn nhằm đảm bảo theo đúng các định hướng quy hoạch. Do đó, chất lượng đô thị cũng dần được nâng cao.
Kết thúc quý III/2017, toàn quốc có 809 đô thị, bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt; 17 đô thị loại I; 25 đô thị loại II; 45 đô thị loại III; 84 đô thị loại IV; 636 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37%.
Thu Hằng