Đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" ở Kiên Giang

Khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đóng góp “Quỹ vì người nghèo”. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đóng góp “Quỹ vì người nghèo”. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Ngày 10/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư.

Đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" ở Kiên Giang ảnh 1Khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đóng góp “Quỹ vì người nghèo”. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Qua 20 năm tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư, tỉnh Kiên Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Hằng năm, 100% khu dân cư trong tỉnh đều tổ chức Ngày hội; trong đó trên 90% khu dân cư tổ chức phần hội; từ năm 2015 đến nay, tất cả khu dân cư tổ chức cả phần lễ, phần hội và bữa cơm “Đại đoàn kết".

Ngày hội là dịp để hệ thống Mặt trận các cấp tuyên truyền truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là truyền thống đoàn kết quý báu, tốt đẹp của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây còn là dịp để Mặt trận các cấp vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, an sinh xã hội, tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hai mươi năm qua, Mặt trận các cấp đã vận động xây dựng và trao tặng 401.469 căn nhà đại đoàn kết, trị giá trên 7.884 triệu đồng; sửa chữa 89.683 căn nhà, trị giá trên 607 triệu đồng; hỗ trợ 478.059 lượt hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn, với số tiền 239 triệu đồng; tặng quà cho 338.287 lượt gia đình chính sách, người có công, với số tiền 624 triệu đồng.

Thông qua Ngày hội, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tiếp tục được bảo tồn và phát huy; góp phần gắn kết cộng đồng, thắt chặt mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 392.994 hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa", 889 ấp, khu phố đạt danh hiệu “Ấp, khu phố văn hóa", 1.606 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn “Cơ quan, đơn vị văn hóa".

Tại Ngày hội hằng năm, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư gắn tổ chức tổng kết một năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Qua đó đã biểu dương, khen thưởng hơn 48.600 lượt tập thể, hơn 81.000 lượt gương người tốt, việc tốt hoặc có thành tích tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động ở địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thị Vệ cho biết, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Ngày hội; vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham gia góp ý xây dựng khu dân cư, xây dựng Đảng, chính quyền trong thời gian diễn ra Ngày hội. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên; phát huy vai trò chủ trì của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và người dân trong tổ chức hoạt động trước, trong và sau Ngày hội.

Bên cạnh đó, các hoạt động của Ngày hội cần thường xuyên được đổi mới, đa dạng, phong phú, nhất là quan tâm tổ chức phần hội, hội thi, trò chơi dân gian, thể thao, văn nghệ, bữa cơm đại đoàn kết… phù hợp tình hình thực tế địa phương, với các đối tượng, phong tục, tập quán, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Dịp này, nhiều cá nhân, tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội và đột xuất trong công tác đóng góp Quỹ vì người nghèo trên địa bàn tỉnh.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm