Dốc sức phục hồi du lịch, lan tỏa hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn

Dốc sức phục hồi du lịch, lan tỏa hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn

Du lịch Việt Nam đang có những động thái tích cực nhằm phục hồi trở lại sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch COVID-19. Kích cầu du lịch nội địa bằng các sản phẩm giá tốt, chất lượng đảm bảo đang được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ bởi đây là xu hướng duy nhất của du lịch nước nhà trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng chuẩn bị điều kiện cần thiết để đón khách quốc tế trở lại. Dù có phần chịu “thiệt thòi” để thực hiện kích cầu, phục hồi ngành du lịch nhưng nhiều doanh nghiệp cam kết sẽ cạnh tranh thu hút khách không chỉ về giá mà cả về chất lượng...

“Thời điểm vàng” cho khách nội địa

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết,  dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được khống chế nhưng ngành du lịch vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng đã chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khởi xướng kế hoạch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để kích cầu du lịch nội địa. Theo đó, nhiều hoạt động đã được triển khai, nhiều địa phương chủ động kích cầu, thu hút du khách như Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Lào Cai...

Hội đồng Tư vấn du lịch phối hợp với một số đối tác thực hiện nghiên cứu và chia sẻ thông tin về 5 xu hướng thấy rõ của người Việt sau giãn cách xã hội. Những xu hướng này không mới nhưng đã có thay đổi, góp phần định hướng phát triển sản phẩm...Xu hướng đầu tiên là nhu cầu của thị trường bắt đầu phục hồi trở lại vào giữa tháng 4/2020. Thứ hai là du khách ưu tiên về an toàn và có ưu đãi. Tiếp đó, hầu hết người đi du lịch hiện tại đều muốn đi du lịch biển và thiên nhiên. Thứ tư là khách chuộng đi tour ngắn ngày, gần nơi sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ gia đình, bạn bè. Thứ năm là khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp hoặc thông qua giải pháp số...

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã nhanh nhạy đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá được coi là “thấp chưa từng có”, cam kết chất lượng đảm bảo để thu hút khách nội địa. Không chỉ có hàng không, đơn vị lữ hành mà còn có sự  chung tay vào cuộc của hệ thống nhà hàng khách sạn, điểm đến, do vậy chương trình kích cầu này có mức giảm giá sâu hơn, nhiều điểm hấp dẫn.

Đại diện HanoiRedtours cho biết: Một tín hiệu đáng mừng là sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5, lượng khách đã tìm hiểu thông tin tour trở lại, đặc biệt sau khi HanoiRedtours tung ra các sản phẩm kích cầu. Trung bình mỗi ngày, HanoiRedtours tiếp nhận từ 500 – 700 thông tin khách bao gồm cả khách lẻ, khách đoàn. Trong đó, các tuyến du lịch biển, các tour trọn gói như Phú Quốc, Đà Nẵng,Tuy Hòa- Quy Nhơn được khách hàng lựa chọn nhiều. Đây là thời điểm bắt đầu mùa hè nên các sản phẩm đi du lịch biển được HanoiRedtours ưu tiên xây dựng với lịch trình ngắn ngày trung bình từ 2 - 5 ngày.

Rất nhiều chuyên gia du lịch cho rằng du khách nên chọn đi du lịch hoặc đặt tour trong thời điểm này bởi giá tour tốt, dịch vụ cao cấp. Thêm vào đó, thời điểm này lượng khách không đông đúc nên du khách sẽ thoải mái tham quan, được các cơ sở lưu trú phục vụ, chăm sóc tốt hơn. Đây đúng là thời điểm vàng để du khách tận hưởng dịch vụ cao cấp với giá tốt chưa từng có.

Làm nhanh, quyết liệt để phục hồi thị trường nội địa

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Du lịch đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Ông đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chứng kiến nhiều sự việc ảnh hưởng tới ngành du lịch nhưng chưa lần nào nặng nề như lần này. Thế nên, theo ông cần phải làm thật nhanh chóng, quyết liệt và có hiệu quả để phục hồi du lịch, nhất là với du lịch nội địa.

Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngay từ tháng 2/2020 đã triển khai chương trình kích cầu và đưa ra quy chế du lịch an toàn. Rất nhanh chóng, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đã hưởng ứng, nhanh chóng tham gia liên minh kích cầu và chương trình xúc tiến du lịch tại 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai nhằm khắc phục hậu quả dịch COVID-19. Dù chương trình này không thể thực hiện trọn vẹn do xuất hiện ca mắc thứ 17 và thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch nhưng qua đó có thể khẳng định rằng Việt Nam có đủ năng lực để đẩy mạnh hoạt động phục hồi du lịch sau khủng hoảng.

Mới đây nhất, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc chủ đề “Du lịch Việt Nam – Điểm đến sáng tươi” gồm 2 giai đoạn (từ ngày 15/5 đến  ngày 15/7 và từ ngày 15/7 đến hết năm 2020). Chương trình này có nguyên tắc kích cầu là phải bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá nhưng không được giảm chất lượng dịch vụ hoặc giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ. Các sản phẩm kích cầu chú trọng tính mới, độc đáo, giá thành thấp và có thêm khuyến mãi đa dạng. Cùng với đó, Hiệp hội chọn Cần Thơ là nơi phát động chương trình này bởi đây là vùng trũng, lại là vùng khó khăn nhất nên cần một “đòn bẩy” để kích thích du lịch phát triển.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng: Các điểm đến có đường bay phải ngay lập tức khởi động chương trình kích cầu du lịch bởi chưa bao giờ du lịch nhận được sự ủng hộ tốt như hiện nay từ phía hàng không. Hiện đã có 50.000 vé máy bay ở mức thấp để ngành du lịch tung ra chương trình kích cầu. Du lịch và hàng không đã phải ngồi bản thảo rất lâu để có mức giá phù hợp với từng sản phẩm, thỏa mãn được các bên và có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Hưởng ứng chương trình kích cầu “Du lịch Việt Nam – Điểm đến sáng tươi”, nhiều công ty lữ hành uy tín như Hanoitourist, Saigontourist, Vietrantour, Vietravel, Hanoi Redtours... đã xây dựng sản phẩm tour ưu đãi, giảm tối đa 40% giá vé khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người, áp dụng trên toàn bộ hành trình trong nước do Vietnam Airlines khai thác đến hết ngày 31/12/2020. Vé máy bay nằm trong sản phẩm trọn gói do các công ty lữ hành du lịch phân phối.

Doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện kích cầu du lịch cũng cần đồng hành của nhà nước, nhất là các địa phương thông qua việc miễn, giảm giá vé cá nơi tham quan, vui chơi giải trí, thông báo công khai người người dân biết. Trong bối cảnh này, nhà nước và doanh nghiệp phải cùng bắt tay hành động tích cực mới có thể nhanh chóng khởi động lại du lịch trong 2 tháng đầu; 4 tháng tiếp theo là bình phục để đến cuối năm 2020 du lịch nội địa trở lại như cũ. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định: Chỉ khi nào du lịch nội địa trở lại như cũ thì mới có thể triển khai lại được du lịch quốc tế…

Thông điệp về điểm đến an toàn, hấp dẫn

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, khôi phục thị trường du lịch nội địa là trước tiên và cũng cần có động thái tiến đến chuẩn bị điều kiện cần thiết, để khi các nước trong khu vực, thế giới kiểm soát dịch bệnh sẽ kiến nghị cho phép mở cửa trở lại với du khách quốc tế.

Hiện Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Đây là một lợi thế cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần chuẩn bị lộ trình, cách thức tiếp cận các thị trường quốc tế đảm bảo hiệu quả cao nhất; trước hết có thể chuẩn bị đón khách quốc tế từ các thị trường có khả năng tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan cũng như một số thị trường có đủ điều kiện như Australia, New Zealand...

Tổng cục Du lịch cũng đã chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế. Nếu đến thời điểm 9/2020 dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, thì ngành du lịch sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ nới lỏng các hạn chế. Đồng thời, du lịch Việt Nam tái khởi động hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế đến…Những thị trường gần trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á sẽ là những thị trường khách quốc tế đến đầu tiên. Khả năng trong quý 4 sẽ bước đầu có khách quốc tế đến Việt Nam.

Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, đến cuối năm sẽ tính đến phương án khác bởi thực tế là đến thời điểm này dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp…

Tổng cục Du lịch cũng đang thực hiện kế hoạch truyền thông về những điểm đến đảm bảo cho du khách, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp du lịch, lữ hành... cùng hỗ trợ truyền thông, đưa ra các tiêu chí, điểm đến an toàn; vận chuyển an toàn trên các phương tiện vận tải để người dân giảm bớt cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cũng khẳng định du lịch Việt Nam đang hành động tích cực để phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đây cũng là cơ hội để du lịch Việt tái cơ cấu, phát triển. Do đó, cần truyền thông hình ảnh điểm đến an toàn để thu hút du khách. Các doanh nghiệp cần liên kết để cùng phát triển, tận dụng cơ hội phục hồi du lịch Việt. Thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, xây dựng kế hoạch, đưa ra thời điểm mở lại thị trường quốc tế.

 Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm