Đưa đời sống vào thổ cẩm
Chi tiết hoa văn trên mẫu váy nữ Jrai. |
Trước kia những họa tiết, hoa văn của người Bahnar, Jrai rất đơn giản, chủ yếu theo cấu trúc đường ziczac, dạng đường thẳng, đường cong, vòng cung, tam giác, đa giác, hình mắt cáo, răng cưa, mặt trời, mặt trăng... Sau này, từ sự giao thoa văn hóa cùng với sự chăm chỉ học hỏi, nghiên cứu của nghệ nhân dệt, nhiều hoa văn phức tạp hơn như các họa tiết đối xứng, cách điệu hình học, hình kỷ hà, sóng nước, hình người, muông thú và các vật dụng gần gũi quen thuộc gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: cối, chày giã gạo, cây nêu, cầu thang nhà sàn, quả bầu... đã xuất hiện trên thổ cẩm. Đặc biệt là các họa tiết như: người giã gạo, người múa xoang, người gùi nước, người che dù, người khiêng nhà mồ, người cưỡi ngựa, người đánh chiêng…; hoặc các loại cây hoa: hoa rừng, bó lúa, hạt gạo, cây rừng, cây chuối, pơ lang…; các con vật; nhà rông, nhà mồ, nóc nhà dài, chòi lúa… Hiện nay rất nhiều nghệ nhân có thể dệt được những gì họ thích như chữ, tên người, máy bay, khẩu súng… Tất cả hiển hiện một thế giới tự nhiên sinh động, phong phú…, được biểu hiện dưới dạng hình học hóa tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc lập.
Ngoài các họa tiết, hoa văn quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trên trang phục người Bahnar, Jrai còn có những hoa văn mang đậm tín ngưỡng “Vạn vật hữu linh”. Đó là những vị thần có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Ví dụ như “Yàng Kơtơp” (thần chim cu-thần chim bồ câu). Người Bahnar kể rằng khi đầu chim quay về hướng Đông Bắc và hướng Nam thì dân làng làm ăn được nhưng khi chim quay đầu về hướng Tây thì làng sẽ gặp tai họa (có người đau hoặc chết). Vì thế, hình ảnh thần chim cu xuất hiện rất nhiều trong trang phục của người Bahnar với họa tiết đã được hình tượng hóa thông qua những hạt cườm đeo cổ hoặc được đính lên váy áo. Hình ảnh cây nêu, người múa xoang, đâm trâu… cũng được nghệ nhân đưa vào nền thổ cẩm… Song qua nghiên cứu và tìm hiểu, có thể thấy hoa văn mà người Bahnar, Jrai yêu thích nhất là họa tiết mặt trời với dạng cách điệu sao tám cánh. Yàng trời là một trong những thần có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong tín ngưỡng nên hình mặt trời cách điệu sao tám cánh không thể thiếu được trong mọi vật dùng như gùi, ống đựng tên, ống đựng nước, trang trí nhà rông, nhà sàn, nhà dài, nhà mồ…, đặc biệt là trên trang phục.
Đậm tín ngưỡng phồn thực
Tuy đưa rất nhiều hình ảnh cây lá, muông thú hoặc cảnh sinh hoạt lễ hội vào thổ cẩm nhưng người Bahnar, Jrai vẫn có một số kiêng kỵ. Ông Nay Toan (51 tuổi, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) chia sẻ, có những họa tiết mang biểu tượng xấu mà người Jrai thường không bao giờ dệt trên trang phục, chăn, địu..., đó là biểu tượng cây, hoa, lá cành Ana kđa, một loại cây có hoa nhỏ, thân cây có gai thường tự mọc ở hàng rào. Loại cây này, sau khi chôn người chết xấu (do tai nạn giao thông, bị cây đè chết, đâm nhau chết, rắn cắn…) về, người ta thường bẻ một nhánh về để trước cửa nhà báo hiệu mới đi đám ma của người chết xấu. Hoa văn lá cành Ana kđa chỉ được sử dụng để tạc trên cột Kut, Klao, nhà mồ của người chết xấu. Nếu như ai đó dệt họa tiết này lên trang phục và tặng cho người khác thì bị coi rằng có ý đồ xấu xa, mong cho người đó chết xấu… |
Những họa tiết hoa văn Bahnar, Jrai với tín ngưỡng phồn thực cũng thể hiện rất rõ qua kiểu cách trang phục và lối trang trí hoa văn. Hoa văn thường được sắp xếp ở cổ, tay, ngực, gấu áo (bụng), nhưng nơi họ chú ý nhất vẫn là ở phần gấu áo vì đây là nơi hội tụ nét phồn thực của người phụ nữ, bởi họ quan niệm vùng bụng chính là nơi bao bọc thai nhi, thể hiện sự sinh sôi nảy nở của con người. Hoa văn trên váy của phụ nữ Bahnar, Jrai cũng được chú ý rất nhiều ở phần lưng váy, phần mông và chân váy. Trên váy của người Bahnar điểm nổi bật nhất chính là phần mông với miếng vải đắp phía sau được trang trí rất nhiều hoa văn. Trang phục của nam tuy không phong phú, đặc sắc như trang phục nữ nhưng cũng thể thiện rõ tín ngưỡng phồn thực. Chiếc khố được trang trí hoa văn rất phong phú cùng các tua chỉ màu sặc sỡ ở hai đầu khố và thêu ở phía trước khố mà người Jrai gọi là “Tơ ngan yang” (vòi con voi).
Trên thổ cẩm Bahnar, Jrai còn có những hoa văn mang ý nghĩa sự sống. Điển hình là một loại cây to, thân gỗ mềm, hoa nở có màu sắc trắng đỏ vào tháng 12 hàng năm, khi quả khô sẽ chuyển sang màu đen và hạt rơi đến đâu thì cây sinh sôi nảy mầm đến đó. Họa tiết này thường xuyên được các nghệ nhân thêu dệt trên áo váy của người phụ nữ, người Jrai gọi đó là cây “Mơ nga plum”. Hoặc biểu tượng “Kơ chép brom” (phần đuôi của mũi tên) biểu hiện cho sự mạnh mẽ của người đàn ông.
Chính sự phong phú, đa dạng của màu sắc, tài trang trí họa tiết trên trang phục đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho thổ cẩm của người Bahnar, Jrai. Không chỉ đơn thuần là những họa tiết trang trí mà đây còn là biểu hiện sinh động về đời sống xã hội, tín ngưỡng, tạo nên sắc thái riêng biệt về văn hóa của dân tộc Bahnar, Jrai so với các tộc người khác ở Tây Nguyên nói riêng và trong cả nước nói chung.