Tuy nhiên, nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hiệu quả cao.
Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu
Theo bảng xếp hạng, Đà Nẵng duy trì ngôi đầu bảng trong 3 năm liên tiếp với 68,34 điểm. Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố. Đây là lần thứ 8 liên tiếp tỉnh này nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Tiếp đến là Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên... Đứng cuối bảng xếp hạng năm nay là Đắk Nông, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Cà Mau, Cao Bằng... Thủ đô Hà Nội đứng thứ 24.
|
Được đánh giá là tỉnh có nhiều đột phá trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, năm nay Quảng Ninh có thứ hạng và điểm số cao nhất trong 11 năm điều tra PCI và năm thứ 3 liên tiếp địa phương này góp mặt trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhờ thành lập Trung tâm hành chính công cấp huyện và cấp tỉnh nên rút ngắn được 40% thời gian các thủ tục so với trước. “Chúng tôi cam kết các nhà đầu tư sẽ được chính quyền tỉnh Quảng Ninh cùng đồng hành một cách tốt nhất”, ông Long khẳng định.
66% DN phải chi trả chi phí không chính thức
Mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều DN được khảo sát, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, chất lượng của cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Theo báo cáo PCI năm nay, hơn 66% DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị cán bộ dùng các quy định để nhũng nhiễu, tăng 6% so với năm ngoái. Còn tỷ lệ DN trả lời câu "công việc được giải quyết sau khi chi tiền bôi trơn" là 59%, tăng nhẹ so với một năm trước. Trong khi đó, khâu làm thủ tục thông quan cũng khiến gần 59% DN phải chi tiền.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tỷ lệ DN cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (năm 2013), lên tới 66% (năm 2015). Nhiều DN nói các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Đặc biệt vẫn có tới 65% DN cho biết “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến”.
Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm: "Ở các tỉnh mà quyết định đầu tư được thúc đẩy theo quy trình từ người đứng đầu, rồi các cấp dưới triển khai thì bao giờ cũng rút ngắn đáng kể so với trình tự thông thường là chuyên viên xử lý, trình các ban ngành thẩm định rồi đưa sang lãnh đạo tỉnh ký duyệt".
Năm nay, tỉnh Tuyên Quang đã tăng lên 2 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 48, thuộc top trung bình. Để đạt được những điều đó một phần là nhờ vào chương trình “cà phê doanh nhân”. Đây không phải là hội nghị mà là cuộc gặp gỡ cởi mở giữa lãnh đạo tỉnh và DN với sự trao đổi 2 chiều. Tham dự cà phê doanh nhân gồm những người cao nhất từ Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc các sở ban ngành, chủ tịch các huyện, thành phố... Sau 2 năm thực hiện, việc thực hiện cà phê doanh nhân đã đem đến sự thay đổi rõ rệt. DN vướng mắc ở đâu thì đều được giải đáp ngay. Trong trường hợp chưa giải quyết được ngay thì được hẹn lịch trả lời sớm nhất. Năm nay tỉnh Nam Định đứng thứ 17, tăng 16 bậc so với năm ngoái. Năm qua, lãnh đạo tỉnh thường xuyên có cơ chế đối thoại với DN, công khai minh bạch và nhận phản hồi của DN. Nếu phát hiện cá nhân, đơn vị nào còn nhũng nhiễu DN thì sẽ có phương án xử lý. Thời gian tới tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư trong đó có những giải pháp thực hiện 10 chỉ số thành phần, giao nhiệm vụ từng ngành gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xem xét trách nhiệm. |
Báo Tin Tức