Ngày 5/10, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết, Hiệp hội vừa có văn bản gửi các thành viên kêu gọi cộng đồng trách nhiệm xây dựng ngành hàng sầu riêng tỉnh Đắk Lắk.
Theo văn bản của Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, vụ sầu riêng năm 2023 tại tỉnh đạt sản lượng cao, giá cao, đem lại nguồn thu nhập, lợi nhuận cao cho nông dân. Việc giá sầu riêng tăng mạnh, một mặt mang lại niềm vui, lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cho nhà vườn và nông dân trồng sầu riêng của tỉnh.
Tuy nhiên, mặt trái của việc tăng giá quá nóng, mất kiểm soát là hiện tượng tranh mua tranh bán, loạn giá, “bẻ cọc” sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng tỉnh Đắk Lắk nói riêng, sầu riêng Việt Nam nói chung trên thị trường xuất khẩu. Bên cạnh niềm vui của nông dân là nỗi lo, áp lực thua lỗ và nguy cơ dẫn đến phá sản của một số doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk và qua phản ánh, thời gian gần đây, mỗi container sầu riêng xuất khẩu, doanh nghiệp thua lỗ nhiều song vẫn chấp nhận vì trách nhiệm theo hợp đồng với đối tác, vì uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam, vì trách nhiệm xây dựng ngành hàng sầu riêng phát triển hiệu quả, bền vững.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000 ha sầu riêng, sản lượng năm 2023 ước tính trên 200.000 tấn. Đến thời điểm này, sản lượng sầu riêng đã thu hoạch, tiêu thụ đạt khoảng 70% sản lượng sầu riêng toàn tỉnh. Theo tính toán sơ bộ, nông dân đã biết lợi nhuận thu được, tuy nhiên, khối doanh nghiệp đang rất khó khăn vì mua với giá bằng hoặc chỉ thấp hơn giá xuất khẩu một ít và nhiều rủi ro khác.
Với vai trò điều phối, kết nối các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành hàng, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk khuyến nghị, kêu gọi nông dân trong thời điểm này cùng doanh nghiệp thỏa thuận, thống nhất giá mua bán phù hợp nhằm hỗ trợ, chia sẻ một phần khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết thêm, về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ hoàn thiện Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng và bơ, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai; rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phù hợp; chú trọng tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến sầu riêng; xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm trong các vụ sầu riêng, đảm bảo cho người dân, chủ vườn nhận thức được thủ đoạn, các vấn đề phức tạp liên quan đến mùa vụ sầu riêng, phòng tránh việc tranh mua, tranh bán, “bỏ cọc”, thậm chí là “bảo kê” sầu riêng...
Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk được thành lập từ tháng 3/2023. Đến nay, Hiệp hội có trên 200 hội viên là nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sầu riêng.
Hoài Thu