Trước tình trạng các giếng khoan, giếng đào của đồng bào dân tộc S’Tiêng ở sóc Ba Buông (ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) bị cạn, từ năm 2014 đến nay, đoàn viên, thanh niên xã Xuân Hòa đã tổ chức đưa nước sạch miễn phí đến với từng hộ dân.
Sóc Ba Buông là một khu làng của người dân tộc S’Tiêng định cư ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, từ năm 1995 đến nay. Trong quá trình định cư, đồng bào được chính quyền xã Xuân Hòa xây dựng con đập chặn nguồn nước từ suối chảy qua làng để lấy nước sinh hoạt, tưới tiêu. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nguồn nước này bị ô nhiễm do các hộ chăn nuôi xả thải, vì vậy đồng bào phải chuyển sang sử dụng nguồn nước giếng đào.
Già làng Điểu Phê (ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, nước giếng đào ở đây chỉ có vào mùa mưa, đến mùa khô cạn ráo do mạch nước ngầm bị đứt. Vì vậy, đồng bào chỉ bơm được chút ít lên bể bê tông, để lắng lại mới dùng được cho việc tắm giặt, còn nước ăn uống phải mua ở bên ngoài.
“Mùa nắng, nước chở ở bên ngoài vào bán cho chúng tôi với giá rất cao, thường dao động ở mức 100.000 - 120.000 đồng/m3 nước. Đời sống đồng bào đã khó khăn trên mảnh đất khô cằn này lại càng khổ cực hơn mỗi khi mùa khô tới, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng”, già làng Điểu Phê chia sẻ.
Nhận thấy những cơ cực mà đồng bào dân tộc S’Tiêng ở đây đang gánh chịu, năm 2014, anh Đặng Quốc Lộc, Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, đã đề xuất với lãnh đạo xã cho phép Đoàn Thanh niên triển khai chương trình đưa nước sạch về sóc Ba Buông.
Theo đó, anh Đặng Quốc Lộc đã cùng các đoàn viên, thanh niên trong xã triển khai chương trình ngay từ mùa khô năm 2014, mỗi ngày chở trên 10 chuyến, mỗi chuyến 500 lít nước cho đồng bào. Nước được để trên rơ-moóc xe ba gác và sử dụng xe máy thay phiên nhau kéo vào sóc cung cấp cho dân.
Tuy nhiên, do nhu cầu nước sinh hoạt của người dân rất lớn, nên việc cung cấp nước chưa thật sự đáp ứng được tình trạng “khát nước” sạch trong mùa khô hạn cho đồng bào S’Tiêng ở sóc Ba Buông. Năm 2015, Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa đề nghị Đoàn Thanh niên xã tiếp tục triển khai chương trình cấp nước sạch với quy mô lớn hơn. Nước được chở bằng xe tải vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần. Mỗi ngày sẽ có 7 chuyến xe chở nước và mỗi chuyến chở theo 3m3 nước. Kinh phí thực hiện chương trình do Ủy ban nhân dân xã đề xuất từ huyện và vận động các nhà hảo tâm, nguồn nhân lực chính là các đoàn viên, thanh niên trong xã thay phiên nhau đi theo xe chở nước mỗi ngày.
Anh Đặng Quốc Lộc cho biết, tham gia chương trình này, mỗi đoàn viên, thanh niên đều cảm thấy rất vui vì công sức của mình đã giúp ích cho bà con ổn định cuộc sống. Mỗi khi xe chở nước vào tới sóc Ba Buông, bà con vui mừng, tập trung tất cả những xô, chậu… đem ra đường để đón chờ xe nước. Đặc biệt, những gia đình chỉ có phụ nữ, trẻ em hay ông bà già sẽ được các đoàn viên, thanh niên sẵn sàng hỗ trợ, xách nước giúp vào tận nhà.
Già làng Điểu Phê cho biết, từ khi có xe chở nước vào sóc, cuộc sống của bà con nơi đây được cải thiện rõ rệt. Nhờ vậy từ năm 2014 đến nay, vào mùa khô đồng bào dân tộc S’Tiêng ở sóc Ba Buông không phải mua nước sạch với giá cao.
Hiện, sóc Ba Buông có 100 hộ dân sinh sống, trong đó có 66 hộ là người dân tộc S’Tiêng. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để ổn định cuộc sống cho bà con nơi đây, như xây dựng nhà ở, đường giao thông, lưới điện, nhà văn hóa S’Tiêng và nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của bà con vẫn là nước sinh hoạt, vì nằm cách xa khu dân cư tập trung nên hệ thống nước sạch chưa thể đầu tư tới nơi.
Ông Huỳnh Ngọc Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa cho biết, xã đã có chuẩn bị kinh phí khoan giếng cho các hộ dân nhưng không triển khai được, vì mạch nước ngầm ở đây sẽ bị đứt mỗi khi vào mùa khô hạn. Do đó, cùng với việc phối hợp với Đoàn Thanh niên trong xã duy trì cấp nước cho đồng bào S’Tiêng ở sóc Ba Buông, Ủy ban nhân dân xã cũng kêu gọi sự hỗ trợ đầu tư hệ thống nước sạch từ các cấp và nhà hảo tâm. Khi có nguồn kinh phí tài trợ, địa phương kết nối đường ống sẵn có thì đồng bào S’Tiêng tại sóc Ba Buông sẽ có nước sạch dùng quanh năm.
Lê Xuân